(VnMedia) - LG G3 và Moto X (2014) là hai trong số những smartphone Android cao cấp hàng đầu của năm nay, và đều sở hữu những điểm mạnh riêng. Tuy nhiên, sản phẩm nào nổi trội hơn.
Kích cỡ
G3 có kích thước lớn hơn khi dài hơn 4% và rộng hơn 4% so với đối thủ. Tuy điện thoại LG G3 có kích cỡ lớn hơn nhưng mặt sau của máy được làm cong nên vẫn tạo cảm giác thoải mái khi cầm trên tay. Tại điểm mỏng nhất trên hai thiết bị này được đo chưa tới 1cm cho dù Moto X dày hơn 11% so với LG G3.
Trọng lượng
LG G3 và Moto X không phải là những sản phẩm có trọng lượng quá nặng và LG G3 chỉ nặng hơn Moto X 3,5%.
Chế tạo
G3 được chế tạo bằng vật liệu nhựa với mặt sau được làm bằng nhựa giả kim loại phay xước và có độ uốn cong để có thể ôm sát vào tay người dùng. Việc phay xước nói trên giúp G3 chống được vân tay và mồ hôi so với mặt lưng bằng nhựa bóng như G2. Tuy nhiên, máy vẫn không thể trông cao cấp như các đối thủ cạnh tranh sử dụng kết cấu vỏ nhôm cho sản phẩm của họ.
Trong khi đó, Motorola cung cấp cho người dùng lựa chọn mặt sau của Moto X có thể bằng chất liệu nhựa, da hoặc gỗ kèm theo dải kim loại bao quanh các cạnh. Tuy nhiên, chất liệu da và gỗ cao cấp trên Moto X có thể tăng mức giá của sản phẩm này lên.
Màu sắc
Moto X cung cấp rất nhiều màu sắc thông qua dịch vụ Moto Maker của Motorola trong khi G3 chỉ mang tới các màu đen, trắng, vàng, tím và hồng.
Kích cỡ màn hình
Cho dù sở hữu kích cỡ màn hình 5,5-inch nhưng bờ rìa màn hình của G3 được thiết kế rất mỏng nên điện thoại không tạo cảm giác quá lớn. Chúng chỉ rộng hơn 4mm so với màn hình cỡ nhỏ hơn của HTC one (M8). Màn hình của Moto X không nhỏ hơn nhiều nhưng G3 chỉ lớn hơn 12%.
Độ phân giải
Màn hình quad HD của LG G3 cực kỳ sắc nét, cung cấp mật độ điểm ảnh nhiều hơn 27% so với màn hình Moto X. Cho dù vậy, mật độ màn hình 432ppi của thiết bị Motorola vẫn rất sắc nét, với mật độ điểm ảnh nằm giữa 401ppi của iPhone 6 Plus và 441ppi của HTC one (M8).
Điện thoại Motorola sử dụng tấm panel Super AMOLED và được công ty gọi là màn hình Active Display. Khi màn hình chuyển sang chế độ tắt và nhận các thông báo, thiết bị sẽ chỉ sáng nên các điểm ảnh cần thiết đủ để hiển thị thông báo đó. Điều này sẽ không cần màn hình chuyển sang chế độ bật hoàn toàn để kiểm tra các thông báo, nhờ đó sẽ kéo dài hơn thời lượng sử dụng pin của điện thoại. Với Moto X (2014), người dùng cũng có thể di chuyển bằng một tay trên màn hình để hiển thị các thông báo gần đây.
Camera
Xét về số “chấm” của camera, cả hai thiết bị này gần như giống nhau khi G3 sở hữu camera trước 2,1MP còn của Moto X là 2MP. Khi nói đến camera của smartphone, số “chấm” chỉ phản ánh một phần của câu chuyện. Một số thiết bị không cần trang bị camera nhiều “chấm” nhưng vẫn chụp ảnh đẹp. Chẳng hạn như HTC one M8, iPhone 5s, 6 và 6 Plus.
Trong bài kiểm thử thực tế, camera của G3 mang lại chất lượng ảnh chụp tuyệt vời và tốc độ nhanh.
Thiết bị của LG sử dụng tia laser để đo khoảng cách giữa ống kính và đối tượng chụp, cho tốc độ lấy nét rất nhanh. Người dùng chạm vào màn hình để lấy nét và chụp ngay hình ảnh. Đây cũng là một trong những điểm khiến các chuyên gia yêu thích về camera của G3 và điều đó cũng trợ giúp rất lớn để chụp được những tấm ảnh hoàn hảo.
Trong khi đó, bạn có thể khởi động camera của Moto X ngay cả khi màn hình tắt bằng cách lật mặt sau và mặt trước của điện thoại giống như bạn đang mở một cánh cửa.
Khả năng chống chịu nước
Cả hai điện thoại này không được trang bị khả năng chống thấm nước hoàn toàn nhưng Moto X có thể chịu được hiện tượng nước bắn tung tóe vào máy.
Các tính năng khác
Một trong những tính năng tốt nhất trên LG G3 chính là Knock Code. Đây là cách thức mở khóa được LG giới thiệu vào đầu năm nay. Việc mở khóa điện thoại có thể được thực hiện bằng cách gõ lên màn hình theo các vị trí do người dùng thiết lập. Ngoài ra, LG G3 còn trang bị bộ phát hồng ngoại, cho phép sử dụng như thiết bị điều khiển từ xa cho TV/hộp set-top box.
Ở mặt trước, Moto X mới được trang bị 4 cảm biến hồng ngoại nhằm theo dõi cử chỉ tay của người dùng. Bạn có thể vẫy bàn tay để xem biểu tượng thông báo ngoài màn hình khóa hoặc từ chối cuộc gọi, tắt báo thức mà không cần chạm vào màn hình cảm ứng. Để xem thông báo trên máy, bạn chỉ cần bấm vào biểu tượng vừa hiện lên. Tính năng này cho phép bạn đọc trước từng tin nhắn và email mà không cần mở khóa thiết bị.
Nguồn pin
Nguồn pin của G3 lớn hơn đáng kể so với của Moto X nhưng bù lại LG G3 phải cung cấp năng lượng cho màn hình lớn hơn độ nét cao hơn. Tuy nhiên, thời gian sử dụng thực tế của LG G3 vẫn có thể kéo dài cả ngày.
Bộ xử lý
Cả hai sản phẩm này đều trang bị cùng bộ xử lý Snapdragon 801 lõi tứ tốc độ 2,5GHz.
RAM và bộ nhớ trong
LG G3 có những biến thể sử dụng bộ nhớ RAM khác nhau, 2GB hoặc 3GB tùy theo lựa chọn bộ nhớ trong của người dùng. Chẳng hạn, với phiên bản có dung lượng lưu trữ 32GB có bộ nhớ RAM 3GB còn phiên bản 16GB chỉ có RAM 2GB.
Tuy nhiên, chỉ có thiết bị LG cung cấp khe cắm thẻ nhớ microSD.
Phần mềm
Cả hai thiết bị này đều hoạt động trên hệ điều hành Android nhưng LG G3 mang lại trải nghiệm thú vị hơn với giao diện người dùng của riêng họ. Giao diện người dùng của LG đi theo trào lưu thiết kế phẳng trên thế giới hiện nay. Tất cả các biểu tượng, thanh thông báo trạng thái… đều được thiết kế giản đơn và có màu sắc nhẹ nhàng hơn so với giao diện trên LG G2. Các thiết kế này đem lại cho LG G3 cái nhìn thân thiện, thanh thoát nhưng cũng không kém phần bắt mắt. Còn giao diện của Moto X là thuần khiết của nền tảng Android.
Giá và thời điểm phát hành
LG G3 có lợi thế hơn Moto X khi phát hành trước tới 4 tháng và hiện có giá từ hơn 12 triệu đồng. Trong khi đó hiện vẫn chưa được bán trên thị trường Việt Nam.
Kết luận
Nhìn chung, LG G3 và Moto X đều là những thiết bị Android tuyệt vời nhưng Moto X có lợi thế với khung nhôm và mặt sau có các tùy chọn gỗ, da đẹp mắt, màn hình AMOLED sắc nét và trải nghiệm nền tảng Android thuần thiết. Trong khi đó, LG G3 lại nổi trội với màn hình QHD và khả năng tự động lấy nét theo Laser. Tuy nhiên, hai điểm nổi trội đó không đủ để G3 vượt mặt so với đối thủ Moto X của năm nay.
Ý kiến bạn đọc