Thời gian gần đây, nhiều người kéo nhau đi phủ nano cho các loại thiết bị công nghệ để chống trầy xước. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều tranh luận về việc phủ nano có thực sự chống được chầy xước?
Dù xuất hiện đã khá lâu thế nhưng công nghệ phủ nano lên các thiết bị điện tử thời gian gần đây mới thực sự được người tiêu dùng quan tâm. Nguyên nhân là thời gian đầu không ít người vẫn sợ ảnh hưởng đến thiết bị thế nhưng qua một thời gian dài trải nghiệm, việc phủ nano bắt đầu trở nên phổ biến.
Chống trầy và tạo cảm giác mượt
Phong trào phủ nano xuất hiện thời gian đầu chủ yếu hướng đến dùng cho xe ô tô thế nhưng thấy quá tiện lợi việc phủ nano bắt đầu lấn sân sang các thiết bị công nghệ. Theo giới kinh doanh, phủ nano có thể bảo vệ màn hình thiết bị chống trầy xước tốt hơn khá nhiều.
Chị Lê Thị Hạnh, Công ty Viễn thông Sin chuyên về phủ nano, cho biết hiện nay lượng khách hàng đến phủ nano đang phát triển rất mạnh. Không chỉ có điện thoại, máy tính bảng, nhiều người còn đem cả đồng hồ, máy chụp ảnh đi phủ nano. Có hơn 50% khách hàng chọn giải pháp là phủ nano thay vì chọn dán màn hình.
Phủ nano sẽ giúp bảo vệ màn hình cho các thiết bị công nghệ tốt hơn. |
Anh Hồ Thanh Tùng (quận 1), một người dùng đang sử dụng chiếc HTC phủ nano, cho biết trước đây anh sử dụng các miếng dán màn hình nhưng thấy không tiện lắm. Các miếng dán thường để lại dấu vân tay phải lau chùi liên tục, bên cạnh đó nếu lướt nhiều lần thì cảm thấy không mượt như màn hình gốc. Tìm hiểu trên mạng, anh Tùng thấy có dịch vụ phủ nano và anh đã phủ nano cho chiếc điện thoại mới. “Không biết thực hư chất lượng thế nào nhưng hiện nay tôi khá yên tâm khi bỏ túi, điện thoại lướt khá mượt và ít để dấu vân tay” - anh Tùng cho hay.
Còn theo anh Thắng, một người sử dụng điện thoại ở Vũng Tàu thì anh đã thử phủ nano ở nhiều dòng điện thoại khác nhau, trong đó có cả iPhone và thấy chất lượng khá tốt.
Có khả năng bảo vệ trong sáu tháng
Theo khảo sát trên thị trường, giá phủ nano cho các thiết bị dao động tùy theo đường kín màn hình, từ khoảng 100.000-300.000 đồng, thậm chí là cao hơn với các loại màn hình laptop. Theo đó, việc phủ nano thường mất thời gian khoảng 10 phút thao tác và 20 phút chờ khô. Thế nhưng sau khi phủ để nano có được kết dính vững chắc, người sử dụng phải mất thêm khoảng bảy ngày. Trung bình một thiết bị sau khi phủ nano có thể sử dụng trong sáu tháng.
Theo ông Lê Nguyễn Bảo Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tài Hoa Việt, hiện đang nghiên cứu lý thuyết về công nghệ nano ở một trường đại học tại Mỹ, thực chất việc phủ nano xét về mặt công nghệ thì không gây hại cho thiết bị, thậm chí còn có tác dụng tích cực là bảo vệ thiết bị tốt hơn. Tùy theo chất lượng sản phẩm phủ thì tác dụng bảo vệ có thể kéo dài từ sáu tháng đến hai năm hoặc hơn.
“Thế nhưng ngoại trừ việc dung môi chất lượng thật sự, cũng không loại trừ khả năng việc sử dụng các dung môi giả từ Trung Quốc thì chắc chắn có hại. Với các dung môi giả thì việc phủ lên thiết bị không có giá trị bảo vệ mặc dù màn hình có bóng hơn. Riêng với các dung môi giả, có mang độc chất thì có thể gây hại cho người phủ lẫn người dùng” - ông Nguyên cho biết thêm.
Hiện vẫn có nhiều tranh luận về việc phủ nano, một phía cho rằng các dòng smartphone cao cấp màn hình đã có công nghệ chống trầy thì việc phủ không có tác dụng. Thế nhưng cũng có một số ý khác là màn hình chống trầy chỉ mang nhiều ý nghĩa về giá trị kinh doanh nên phủ nano là cần thiết.
Ý kiến bạn đọc