Việt Nam có tỷ lệ thuê bao trả trước thuộc nhóm cao nhất thế giới

11:26, 11/05/2017
|

(VnMedia) - Theo số liệu công bố mới nhất từ Bộ TT&TT thì tỷ lệ thuê bao di động trả trước của Việt Nam đang cao gấp 1,25 lần mức trung bình của thế giới, gần xấp xỉ với mức của các quốc gia kém phát triển nhất thế giới.

Có tới 95% thuê bao di động là thuê bao trả trước

Cụ thể, theo số liệu được Cục viễn thông vừa công bố, tính tới hết tháng 2/2017, Việt Nam có 121,665 triệu thuê bao di động, trong đó có tới 115,183 triệu thuê bao trả trước, tương ứng với tỷ lệ 95%.

Tỷ lệ thuê bao trả trước của Việt Nam ở mức cao so với các quốc gia đang phát triển, gần bằng mức trung bình của nhóm các quốc gia chậm phát triển nhất hiện nay.
Tỷ lệ thuê bao trả trước của Việt Nam ở mức cao so với các quốc gia đang phát triển, gần bằng mức trung bình của nhóm các quốc gia chậm phát triển nhất hiện nay.

Theo số liệu thống kê của trang GSMA Intelligence - một trong những trang thống kê đầy đủ và chính xác nhất các số liệu của thị trường di động thế giới hiện nay, tính tới hết quý 1/2017, tỷ lệ thuê bao trả trước trung bình của thế giới đang ở mức 76%, chỉ bằng 80% so với Việt Nam. Tỷ lệ thuê bao di động trả trước cao nhất đang thuộc nhóm các quốc gia kém phát triển nhất thế giới (gần 97%).

Theo số liệu thống kê, có thể thấy ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển, tỷ lệ thuê bao trả sau cũng có xu hướng cao hơn so với các quốc gia đang phát triển, kém phát triển. Nguyên nhân một phần là do chính sách phát triển thuê bao của các quốc gia có sự khác biệt. Ở các quốc gia phát triển, thường các nhà mạng sẽ cung cấp cho thuê bao cả thiết bị di động đầu cuối kèm theo hợp đồng sử dụng dịch vụ (dạng thuê bao trả sau). Còn với các quốc gia kinh tế còn đang phát triển, lĩnh vực viễn thông cũng phát triển đi sau và thường theo hướng là người dùng tự trang bị điện thoại, nhà mạng chỉ cung cấp dịch vụ.

Việt Nam cũng là quôc gia có thị trường di động phát triển sau so với nhiều quốc gia và đi theo hướng người dùng tự trang bị máy di động. Với chủ trương tạo điều kiện từ cơ quan quản lý, thị trường di động Việt Nam đã trải qua một thời gian phát triển rất nóng với các chính sách “mở cửa” hết cỡ cho khách hàng của nhà mạng. Người dùng có thể mua sim ở mọi nơi và hòa mạng trả trước mà không cần thực hiện bất kỳ một thủ tục nào. Thuê bao trả sau cũng không được chú trọng phát triển bởi chậm và cần nhiều thủ tục. Phần lớn các thuê bao trả sau đều là nhóm khách hàng doanh nghiệp, khách hàng được cơ quan thanh toán cước điện thoại hàng tháng.  

Mặc dù trong hai năm trở lại đây, các nhà mạng có chú trọng hơn tới việc phát triển thuê bao trả sau song những chính sách ưu đãi vẫn còn chưa thực sự hấp dẫn, kéo theo nhiều ràng buộc khác nên tỷ lệ thuê bao trả sau khó có thể cải thiện được.

Hệ lụy giờ mới “nếm”

Không thể phủ nhận rằng những chính sách dễ dàng của nhà mạng trong việc phát triển thuê bao của những năm trước đã khiến di động nhanh chóng trở nên phổ biến, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia được đánh giá là có tốc độ phát triển lĩnh vực di động nói riêng và VT-CNTT nói chung trong khu vực. Tuy nhiên, nó cũng mang tới nhiều hệ lụy, đặc biệt là việc không quản lý được thông tin thuê bao, dẫn tới tình trạng lan tràn tin nhắn/cuộc gọi rác, lừa đảo. Theo một số liệu thống kê từ cách đây vài năm, 99% số điện thoại dùng để quấy rối và lừa đảo là thuê bao trả trước.

Mặc dù trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã có nhiều biện pháp nhằm siết chặt việc quản lý thông tin thuê bao trả trước và các nhà mạng cũng đã tiến hành rà soát song theo đánh giá của Bộ Công an, hiện nay có tới 75% thông tin thuê bao di động vẫn không chính xác. Vì vậy, việc xử lý các cuộc gọi lừa đảo, quấy rối hiện nay chủ yếu theo hình thức cắt số thuê bao, chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”.

Nghị định 49/2017/NĐ-CP mới được ban hành cuối tháng 4 vừa qua với nhiều điểm mới nhằm tăng cường công tác quản lý thuê bao trả trước như: nhà mạng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của thông tin thuê bao, bị phạt tới 200 triệu đồng nếu vi phạm các quy định về quản lý thông tin thuê bao được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn nạn tin rác, tin lừa đảo cũng như hình thành được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao chính xác để phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Hoàng Vũ

 


Ý kiến bạn đọc