Theo một nghiên cứu của hãng bảo mật G Data, cứ gần 10 giây lại có một mã độc Android bị phát hiện. Thông tin trên thực sự đáng lo ngại khi Android chiếm đến 81,7% thị phần hệ điều hành di động trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu bảo mật G DATA đã phát hiện ra hơn 750.000 ứng dụng mã độc Android mới trong quý 1/2017, nghĩa là có khoảng 8.400 mã độc mới xuất hiện mỗi ngày. Và với 86.400 giây trong một ngày, thì mỗi 10 giây lại có thêm một mã độc Android mới.
Theo báo cáo của G DATA, có khoảng 3,2 triệu file mã độc Android mới được phát hiện trong năm 2016. Trong năm 2017, dự kiến con số này sẽ lên 3,5 triệu mã độc.
Báo cáo cho rằng sự phân mảnh của Android chính là lỗi lớn khiến mã độc tăng trưởng. Hiện chỉ mới có 7,1% người dùng Android đang sử dụng phiên bản hệ điều hành Android mới nhất là Android 7.0 hoặc 7.1 Nougat. Cơ sở dữ liệu nhà phát triển Android vào tháng 4/2017 của Google cho thấy 32% người dùng đang sử dụng Android 5.0 hay 5.1 Lollipop, 32,1% đang dùng Android 6.0 Marshmallow.
Vấn đề lớn của phân mảnh là phải cập nhật phần mềm. Nếu một thiết bị đang chạy bản Android cũ hơn, nó sẽ không được bảo vệ khỏi những mối đe dọa đã được các phiên bản mới hơn giải quyết. Các bản vá và cập nhật phải thường qua đối tác OEM trước, rồi mới đến điện thoại.
Để tránh mã độc, người dùng hãy bắt đầu từ kho ứng dụng. Không nên tải những ứng dụng trên các kho ứng dụng thứ 3. Chỉ tải ứng dụng từ Google Play Store. Nhiều mã độc cũng đội lốt là email của đối tác, vì thế cần thận trọng khi mở email từ những người không quen, đặc biệt khi nó chứa đường link hoặc file đính kèm.
Gỡ bỏ mã độc khó khăn hơn một chút. Hãy thử dùng một ứng dụng chống virus, hoặc bạn có thể khởi đông lại thiết bị ở chế độ nhà sản xuất ban đầu.
(theo Viettimes)
Ý kiến bạn đọc