(VnMedia) - Theo ông Niall Greenwood - Giám đốc điều hành - NATS Châu Á Thái Bình Dương, các giải pháp công nghệ hoàn toàn có thể giúp các sân bay giải quyết vấn đề quá tải, tránh được các sự cố không mong muốn xảy ra, thậm chí hy hữu như nhân viên không lưu ngủ gật...
Theo đánh giá của ông Niall Greenwood - Giám đốc điều hành NATS châu Á Thái Bình Dương (National Air Traffic Solutions) - công ty chuyên cung cấp các giải pháp hàng không, Việt Nam là quốc gia có ngành hàng không đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Dự báo, lượng hành khách sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2020. Nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của khách hàng, các hãng hàng không Việt Nam đang đưa về rất nhiều máy bay mới. Tuy nhiên, sức phát triển này của Hàng không Việt Nam lại cũng khiến ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, quản lý không lưu...
Với bề dày kinh nghiệm làm việc và quản lý các sân bay, NATS mong muốn chia sẻ với các đối tác Việt Nam. Đại diện của NATS cho hay, hiện họ có khoảng 100 giải pháp công nghệ khác nhau, như quản lý cất-hạ cánh, quản lý máy bay tại sân bay, phát hiện các điểm tắc nghẽn, giải quyết các vấn đề chậm chuyến-hủy chuyến, cân đối công suất sân bay, điều hành sân bay, giải pháp quản lý các chuyến bay về cả thời gian và khoảng cách.
Giải pháp công nghệ của NATS đã giúp tăng thêm 25.000 phút bay hiệu quả cho các chuyến bay trong một tháng tại Anh. NATS cũng thực hiện tổ chức nhiều khóa huấn luyện trên toàn cầu, cụ thể là về kiểm soát không lưu, nhiều lĩnh vực trong kỹ thuật và an toàn bay, các giải pháp về yếu tố con người: lcách để con người tận dụng công nghệ làm việc hiệu quả hơn.
Việt Nam được đánh giá là một thị trường quan trọng với NATS với tốc độ tăng trưởng ngành hàng không mạnh mẽ. Theo dự đoán của Hiệp hội Hàng không Quốc tế, Việt Nam sẽ đứng thứ năm thế giới về tốc độ tăng trưởng ngành hàng không vào năm 2035. Số lượt hành khách tại Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng thêm 112 triệu trong thời gian tới.
Nhiều giải pháp công nghệ của NATS có thể phù hợp với thị trường hàng không Việt Nam. Công cụ đầu tiên là quản lý công suất (capacity management). Công cụ/giải pháp này thực hiện phân tích các sân bay và đường băng và đưa ra giải pháp cất/hạ cánh trên từng đường bay thế nào để đạt hiệu quả cao nhất trên cả hai đường băng (đối với sân bay có hai đường băng). Sau đó, quản lý hàng đợi cất-hạ cánh cũng là một bước quan trọng. Ví dụ, tại sân bay Heathrow, các máy bay cất-hạ cánh chỉ cách nhau khoảng 1 phút. Giải pháp/công cụ này đi sâu nghiên cứu về nhiều yếu tố khác nhau về khí động học máy bay, kích thước, quy mô, tải trọng... để đưa ra khoảng cách về thời gian tối ưu giữa hai lượt cất-hạ cánh. Đó cũng là một công cụ giúp các nhà quản lý tại Việt Nam phân tích và quản lý sân bay.
NATS cũng có một công cụ khác, dùng để phân tích thời gian chiếm dụng đường băng. Ví dụ, thời gian một chiếc máy bay cất-hạ cánh chiếm dụng đường băng bao lâu và đào tạo phi công có thể cất-hạ cánh trong thời gian tối ưu có thể. Thời gian chiếm dụng đường băng của mỗi máy bay càng cao, càng nhiều máy bay khác sẽ phải xếp hàng chờ lâu hơn.
NATS đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu và giải pháp tại London, và một trong những giải pháp được thực hiện là thiết kế, quản lý lại không phận (airspace). Không phận là một mạng lưới giao thông trên không, tất cả máy bay đều đi vào khu vực này khi cất-hạ cánh. Thông thường, chỉ nhìn vào những yếu tố như nhà ga hay đường băng - vốn rất đắt tiền để xây dựng; tuy nhiên, việc quản lý, thiết kế không phận hiệu quả có thể giúp quản lý lưu lượng chuyến bay hiệu quả hơn rất nhiều.
An ninh bảo mật luôn được xem là vấn đề quan trọng. Tại Anh, tất cả các hạ tầng hữu hình và vô hình (phần mềm) đều được xem là cơ sở hạ tầng trọng yếu (critical infrastructure). Với việc được xem là cơ sở hạ tầng trọng yếu, cơ chế bảo vệ phù hợp được áp dụng nhằm đảm bảo an ninh an toàn tối đa cho chúng. Về bảo mật vật lý, các hạ tầng vật lý như tháp không lưu số cho phép đưa các trang thiết bị vào một cơ sở được bảo vệ tốt hơn trong khi vẫn đảm bảo hoạt động cho sân bay. Về an ninh mạng, các chương trình được bảo vệ tối đa khỏi tin tặc, virus, trojan, phần mềm gián điệp... Tất cả các giải pháp NATS đưa ra đều đảm bảo cả cơ sở hạ tầng hữu hình lẫn vô hình và đều được bảo mật để phục vụ an ninh hàng không.
Được biết, NATS (National Air Traffic Solutions) là công ty chuyên cung cấp các giải pháp hàng không có trụ sở tại Vương quốc Anh. Tại Vương quốc Anh, NATS hỗ trợ quản lý 2,4 triệu chuyến bay và 250 triệu lượt khách mỗi năm. NATS đã có mặt tại châu Á và hiện đang có chiến lược “toàn cầu hóa”. Hiện nay, các văn phòng của NATS tại Châu Á đang được đặt tại Singapore, Hong Kong và Bangkok (Thái Lan).
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc