(VnMedia) - Chiều nay, 22/3/2017, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo công bố Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index 2016) do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam phối hợp thực hiện.
So với các năm trước, Báo cáo Vietnam ICT Index 2016 có sự thay đổi, cải tiến mạnh mẽ về hệ thống chỉ tiêu và phương pháp tính nhằm đảm bảo bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNTT-TT nhưng vẫn đồng thời phù hợp với các chuẩn mực đánh giá của Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là năm đầu tiên Vụ Công nghệ thông tin phối hợp với Hội Tin học Việt Nam xây dựng và công bố chỉ số sản xuất công nghệ thông tin (còn gọi là chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin).
Năm 2016 cũng là năm đầu tiên Báo cáo Chỉ số sản xuất kinh doanh CNTT Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tách từ Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT Việt Nam. Chỉ số sản xuất kinh doanh CNTT phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh sản phẩm dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp, đồng thời phản ánh quy mô, năng lực cũng như giá trị đóng góp của CNTT cho ngân sách Nhà nước và xã hội.
Việc đánh giá chỉ số sản xuất kinh doanh CNTT các địa phương trên cả nước sẽ giúp đưa ra một bức tranh vừa tổng thể, vừa chi tiết về tình hình phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam. Nó cũng giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương xác định mức độ cạnh tranh và kết quả phát triển công nghiệp và dịch vụ CNTT của các địa phương nói chung cũng như các lĩnh vực hoạt động CNTT nói riêng như công nghiệp CNTT, dịch vụ CNTT hay kinh doanh, phân phối sản phẩm dịch vụ CNTT.
Nhìn vào bản báo cáo, chỉ số ICT Index của thành phố Đà Nẵng là 0,8321 điểm, tiếp tục đứng vị trí thứ nhất năm thứ 8 liên tiếp, thủ đô Hà Nội với số điểm 0,6705 điểm đã tăng 1 bậc so với bảng xếp hạng năm 2015. Trong khi đó, TP.HCM với số điểm 0,6456 điểm từ vị trí số 2 năm 2015 đã tụt xuống vị trí số 3 trong báo cáo mới nhất. Hai vị trí thứ tư và thứ năm là Quảng Ninh và Thừa Thiên Huế.
Ba tỉnh thành đứng vị trí cuối cùng của ICT Index 2016 thuộc về Lạng Sơn, Bạc Liêu và Điện Biên, với các điểm số tương ứng là 0,2144; 0,1914 và 0,1738.
Ở phần xếp hạng với các bộ ngành, Bộ Tài chính cũng tiếp tục đứng ở vị trí số 1 với 0,8075 điểm, thứ hai là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thứ ba là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ba bộ ngành và cơ quan thuộc Chính phủ có chỉ số sẵn sàng cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông kém nhất là Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với các điểm số tương ứng là 0,2891; 0,2438 và 0,2335.
Đối với khối các tập đoàn, tổng công ty thì Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị, Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam lần lượt xếp ở các vị trí 1,2 và 3. Các tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) không có mặt trong bảng xếp hạng vì thiếu số liệu để đánh giá.
Đối với khối các ngân hàng thương mại thì Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có điểm số ICT Index 2016 cao nhất, đạt 0,5601, đứng thứ hai và thứ ba thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông hy vọng Báo cáo Vietnam ICT Index 2016 sẽ tiếp tục là tài liệu tham khảo quý báu giúp các Bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp hiểu rõ được hiện trạng phát triển và ứng dụng CNTT-TT của ngành mình, cơ quan mình. Từ đó các đơn vị này có thể đưa ra những giải pháp, định hướng phù hợp nhằm cải thiện việc phát triển ứng dụng CNTT của đơn vị mình cũng như góp phần thúc đẩy việc phát triển ứng dụng CNTT-TT chung của cả nước, hướng tới xây dựng một Chính phủ điện tử thành công tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hải An
Ý kiến bạn đọc