4G sẽ kích cầu người dùng mobile internet?

08:21, 08/11/2016
|

(VnMedia) - Việt Nam đã chính thức triển khai dịch vụ 4G thương mại vào ngày 3/11 vừa qua. Với tốc độ và độ trễ dịch vụ được cải thiện đáng kể so với 3G, liệu 4G có thể trở thành cú huých tăng trưởng của thị trường băng rộng di động Việt Nam?

3G tăng trưởng không như kỳ vọng

Sau gần 6 năm có mặt tại Việt Nam, không thể phủ nhận rằng 3G đã tạo ra rất nhiều thay đổi trong thói quen sử dụng của người dùng, tác động không nhỏ tới đời sống kinh tế xã hội. Cùng với sự phổ biến của smartphone, internet di động đã trở nên quen thuộc với một bộ phận không nhỏ người sử dụng, trở thành một trong ba dịch vụ cơ bản trên di động (thoại, sms và mobile internet).

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, kết quả đạt được hiện nay có lẽ vẫn chưa được như các nhà mạng kỳ vọng khi bắt tay vào triển khai 3G, chưa tương xứng với những gì nhà mạng đã đầu tư, nỗ lực phát triển dịch vụ. Tỷ lệ doanh thu dữ liệu/thoại, sms trong cơ cấu tổng doanh thu của các nhà mạng đã có sự dịch chuyển theo hướng dữ liệu càng ngày càng nhiều hơn. Song sự dịch chuyển này không chỉ do sự phát triển của internet di động mà còn do doanh thu thoại, sms đang bị giảm mạnh bởi tác động của các OTT.

Về phía các nhà cung cấp dịch vụ, tỷ lệ doanh thu từ các dịch vụ dữ liệu cũng đã có sự cải thiện mạnh trong tổng doanh thu.

Nguồn: Cục Viễn thông
Nguồn: Cục Viễn thông


Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính tới hết tháng 9/2016, Việt Nam có 129,7 triệu thuê bao di động, trong đó mới chỉ có gần 45,8 triệu thuê bao 3G phát sinh lưu lượng, tương đương với tỷ lệ khoảng 35%.

Tại thời điểm các nhà mạng được cấp phép thử nghiệm 4G (10/2015), ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Viettel Telecom đã đưa ra con số thống kê chỉ có 30% thuê bao Viettel có sử dụng 3G và đây là tỉ lệ thấp so với mức bình quân trong khu vực Đông Nam Á là 45%, trong đó riêng Thái Lan chỉ trong 5 tháng triển khai đã có 30% thuê bao dùng 3G, bằng Viettel làm trong 5 năm.

Chất lượng là một trong những nguyên nhân chính

Còn nhớ cùng thời điểm năm 2013, cả ba nhà mạng lớn đồng loạt tăng cước dịch vụ 3G đã gây nhiều dư luận trái chiều. Mặc dù Bộ TT&TT đã chính thức lên tiếng về việc đơn giá trên mỗi bít dữ liệu 3G của Việt Nam đang thuộc hàng rẻ nhất thế giới tại thời điểm đó song không ít người dùng vẫn phản đối, thậm chí hủy sử dụng dịch vụ vì cho rằng giá cước rẻ nhưng chất lượng dịch vụ của các nhà mạng trong nước chưa tương xứng với mặt bằng chung của thế giới.

Tại thời điểm đó, phần lớn các nhà mạng cung cấp 3G đều đang cam kết tốc độ 3G ở mức tối đa là 7,2 Mbps, sau khi hết dung lượng tốc độ cao của gói thì sẽ giảm về mức 128 kbps (với các gói không giới hạn dung lượng). Tất nhiên, đó là tốc độ đỉnh theo lý thuyết, tốc độ truyền dẫn thực tế sẽ thấp hơn.

Trong suốt khoảng thời gian gần 6 năm 3G có mặt tại Việt Nam, số liệu duy nhất về tốc độ 3G được đưa ra tham khảo chính là từ báo cáo của Akamai Technologies - một trong những hãng chuyên đưa ra các báo cáo thường kỳ (hàng quý) về hiện trạng internet toàn cầu. Theo số liệu trong báo cáo hãng này đưa ra thì Việt Nam luôn nằm trong số các nước có tốc độ 3G thấp nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Trong báo cáo gần đây nhất, tốc độ 3G trong quý 2/2016 của Việt Nam vẫn chỉ đạt trung bình 2,8 Mbps và là nước thứ 3 từ dưới lên (trên Venezuela và Argentina) trong tổng số 72 quốc gia được khảo sát.

Mới đây, cơ quan quản lý mới bắt đầu lên tiếng về việc tốc độ 3G thực tế của Việt Nam cao hơn nhiều so với các số liệu trong báo cáo. Sự chênh lệch này là do hãng nghiên cứu tính tốc độ trung bình, trong khi phần lớn người dùng 3G tại Việt Nam sử dụng các gói không giới hạn lưu lượng, sau khi hết tốc độ cao, người dùng sẽ truy nhập 3G với tốc độ thấp hơn hẳn (chỉ còn khoảng 128 kbps). Số liệu cụ thể về tốc độ 3G tại Việt Nam sẽ được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên, tới lúc này thì trong suy nghĩ của một lượng không nhỏ người dùng di động, chất lượng 3G của Việt Nam rất kém. Họ vẫn cho rằng với chất lượng như vậy, cước 3G của Việt Nam không hề rẻ. Và họ sẵn sàng trả mức cước phí cao hơn cho dịch vụ nếu như chất lượng dịch vụ “tương xứng”.

4G sẽ là chìa khóa tăng trưởng?

Theo lý thuyết, tốc độ 4G hỗ trợ có thể lên tới 1Gbps khi đứng yên và 100 Mbps khi di chuyển, gấp 10 lần tốc độ lý thuyết của 3G. Ngày 3/11 vừa qua, VNPT VinaPhone đã chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại Phú Quốc, Kiên Giang. Theo thử nghiệm thực tế của người dùng ngay tại buổi lễ khai trương, tốc độ truy cập internet trung bình thực tế đạt từ 40 - 80Mbps, cao gấp 7-10 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện nay. Tốc độ 4G tối đa có thể đạt tới 300Mbps. Độ trễ dịch vụ cũng giảm tới 3 lần so với 3G.

Theo VNPT VinaPhone, trong một số trường hợp, 4G của VNPT VinaPhone có thể thay thế được cho đường truyền internet, cùng với thiết bị hostpot có thể trở thành một bộ phát tín hiệu wifi, phục vụ cho đồng thời nhiều người một lúc.

 

So sánh hình tượng tốc độ 3G so với 4G.
So sánh hình tượng tốc độ 3G so với 4G.


Với tốc độ này, trải nghiệm của người dùng với các hoạt động tương tác với internet của người dùng như live stream, xem video HD, chơi game thực tế ảo… sẽ mượt mà hơn rất nhiều so với trước đây.

Triển khai 4G có tạo ra được cú huých tăng trưởng lượng người dùng băng rộng di động tại Việt Nam hay không hiện vẫn chưa thể xác định bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, chắc chắn rằng triển khai 4G sẽ giải quyết được vấn đề chất lượng dịch vụ và tạo nền tảng hạ tầng để các nhà mạng phát triển các dịch vụ mới, tăng thêm doanh thu trên mỗi thuê bao.

 

Hoàng Vũ


Ý kiến bạn đọc