Triển khai 4G: Kinh nghiệm của các nhà mạng thành công trên thế giới

16:09, 07/11/2016
|

(VnMedia) - Theo các chuyên gia hoạt đông trong lĩnh vực Viễn thông, việc triển khai 4G sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho quốc gia, đem lại lợi ích cho nhà mạng và người dùng, tuy nhiên để triển khai và đưa vào sử dụng thành công thế hệ mạng này lại không phải là điều đơn giản, vì có rất nhiều thách thử đặt ra buộc các nhà mạng phải có những giải pháp đúng đắn, an toàn và hiệu quả, bên cạnh dịch vụ tốt, còn phải có chính sách giá cước hợp lý.

Theo đại diện của Huawei – Tập đoàn đã giành được trên 320 hợp đồng xây dựng mạng LTE thương mại và đã triển khai 174 mạng LTE thương mại trên toàn thế giới, để triển khai 4G được thuận lợi, các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động không nên đặt giá 4G quá cao so với 3G, vì nhu cầu dùng dữ liệu ngày càng tăng lên trong khi người dùng lại không muốn trả tiền nhiều hơn, như vậy nhà cung cấp phải có phương án cho tốc độ cao hơn với cùng chi phí rẻ hơn.

Kinh nghiệm triển khai 4G của Huawei cho thấy các mạng di động không nên đặt giá 4G quá cao so với 3G. Ở những nước đã triển khai 4G như Mỹ, Nhật, Trung Quốc thì mô hình thành công là tuy giá cho 4G cao hơn nhưng dung lượng lớn hơn nhiều, ví dụ: 1GB dữ liệu trên 3G là 3 USD thì 2GB trên 4G là 4 USD. Như vậy tổng giá 4G  cao hơn nhưng giá mỗi bit lại rẻ hơn. Đối với 4G, tốc độ là thứ chính yếu, vì vậy các nhà mạng sẽ dùng cách đó để cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các nhà khai thác di động lớn trên thị trường có kế hoạch nâng cấp lên mạng 4G tốc độ cao, nhưng do hạn chế về ngân sách triển khai, có thể chủ động lập kế hoạch và chia thời gian triển khai 4G thành nhiều giai đoạn. Cần phải cân nhắc chi phí triển khai từng phần, chi phí vận hành hàng ngày và tình trạng nghẽn mạng. Nhiều nhà mạng bỏ công sức ra nghiên cứu cách làm thể nào để quản lý luồng tiền đầu tư một cách hiệu quả và lập kế hoạch triển khai 4G tại một thời điểm nhất định nhưng phải tối đa hóa lợi nhuận mang về.

Nhiều nhà khai thác vẫn vận hành song song cả hai dịch vụ mạng 3G và 4G, cũng từ đây họ phát hiện ra rằng người dùng chỉ bắt đầu sử dụng mạng 4G khi nó đã đạt đến một phạm vi phủ sóng đủ lớn. Tại mỗi một thời điểm, nhà mạng cần phải ra quyết định xem khi nào nên nâng qui mô triển khai 4G bằng cách dự đoán phản ứng của người dùng khi lựa chọn giữa các dịch vụ 3G và 4G. Các nhà mạng chắc chắn sẽ không phủ sóng mạng 4G trên diện rộng nếu ở đó nhu cầu của dùng thấp hoặc chi phí  triển khai/ vận hành quá đắt đỏ. Có một điều ngạc nhiên trong quá trình triển khai 4G, ban đầu số lượng thuê bao tăng rất nhanh nhưng sau đó lại giảm đi trông thấy, khi dịch vụ mạng 4G giúp giảm thiểu tình trạng nghẽn mạng ở 3G.

Nhiều nhà mạng trên thế giới khi bắt tay vào triển khai 4G đều phải thiết lập lại hoàn toàn cơ sở hạ tầng hoặc bổ sung thêm phổ tần. Các nhà khai thác cần phải đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng của mình hoạt động ổn định. Vì hiện nay, người dùng đang ngày càng trở nên “nhạy cảm” hơn với chất lượng dịch vụ, đòi hỏi các nhà mạng phải vận hành hệ thống trơn tru, hiệu quả và không bị gián đoạn. Nhu cầu về dịch vụ chất lượng cao có liên quan chặt chẽ đến năng lực mạng lưới, buộc các nhà khai thác phải mở rộng vùng phủ sóng và phải trang bị năng lực đủ mạnh để đáp ứng trước tất cả các nhu cầu đang ngày càng gia tăng.

Để hiện đại hóa và triển khai mạng 4G thành công, các nhà mạng cần phải lưu ý một số vấn đề như: Tối đa hóa công suất downlink và giảm thiểu tiếng ồn;  Tập trung vào các liên kết backhaul (dùng để chỉ sự kết nối, truyền tải thông tin từ một trạm phát sóng); Thực hiện chuẩn hóa địa điểm đồng triển khai; Hạn chế can thiệp / giảm thiểu tín hiệu chồng chéo giữa các khu vực; Tối ưu hóa tín hiệu với tỉ lệ tiếng ồn.

Những sản phẩm dịch vụ khai thác hiệu quả trên nền tảng 4G?

Tốc độ dữ liệu 4G bắt đầu từ vài Mbps lên đến 1,5 Gbit/s, do đó cấp độ dịch vụ được cung cấp tới người dùng cũng khá lớn. Ngoài các dịch vụ giống như trên nền 3G như lướt web, Email và giao dịch thương mại điện tử…, tốc độ dữ liệu trên 4G khá đầy đủ để hỗ trợ các dịch vụ chất lượng đòi hỏi lưu lượng truy cập đa phương tiện độ phân giải cao.

Các dịch vụ băng rộng chắc chắn sẽ trở thành dịch vụ thông tin giải trí theo yêu cầu. Các dịch vụ Video-conferencing (hội nghị truyền hình) sẽ có chất lượng cao và tốt toàn diện. Hệ thống mạng tùy biến (là sự hình thành của mạng không dây với các thiết bị không dây mà không có bất kỳ cơ sở hạ tầng hoặc hệ thống quản lý trung tâm nào cả) sẽ cho phép mạng vùng cá nhân (Personal Area Networks), hệ thống mạng trong nhà và các thiết bị không dây thực thi các hoạt động một cách tự động. Các thông tin cảnh báo, tiếp nhận dữ liệu cảm biến, điều khiển từ xa các ứng dụng trong nhà là những khả năng có thể thực hiện được. Còn rất nhiều những năng khả năng khác nữa từ các dịch vụ di động đôi khi không nằm trong dự kiến tồn tại trên nền 4G.

Có 47% doanh nghiệp khai thác mạng 4G cho rằng họ đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí và 39%  khác cho rằng doanh thu bán hàng của họ đã tăng lên đáng kể. Các lĩnh vực ngành nghề được hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ này mang lại phải kể đến như  sáng tạo, nhà hàng-khách sạn, giải trí, y tế, công nghệ thông tin, tự động hóa và giao thông vận tải.

Có rất nhiều ngành nghề được hưởng lợi từ 4G và các nhà mạng vẫn không ngừng tìm kiếm, phát triển các sản phẩm dịch vụ thu hút người dùng trên nền tảng 4G. Với khả năng truyền dữ liệu tốc độ cao lên tới 300 Mbps (trong điều kiện lý tưởng), mạng 4G LTE có thể giúp người dùng tải về một bộ phim chỉ trong vài giây, còn dữ liệu video streaming gần như đến tức thì sau thao tác nhấn phím. Ở những quốc gia đã triển khai 4G cho thấy, người dùng LTE tiêu thụ dữ liệu cao gấp 02 lần so với 3G. Các ứng dụng dữ liệu “nặng” như các dịch vụ video và âm nhạc trực tuyến… đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ LTE. Tại châu Âu, các dịch vụ trên nền tảng 4G cũng rất phong phú như: dịch vụ truyền hình IPTV di động, game full HD trên nền tảng đám mây (cloud-base C-games)...

Tại Hoa Kỳ, nhà mạng đầu tiên triển khai 4G là Sprint, tiếp đó Verizon, rồi tới tất cả các nhà mạng khác như AT&T, T-Mobile. Đến nay, tất cả các nhà mạng ở Mỹ đều đã triển khai 4G và mạng này đã trở nên phổ thông với người dân nước này. Trên nền tảng 4G, người dùng Mỹ có thể tương tác với rất nhiều sản phẩm dịch vụ mua sắm online, hầu hết tất cả các dịch vụ phổ thông, người dùng đều có thể đặt trực tuyến thông qua các trang web hoặc các ứng dụng trên điện thoại, như thuê khách sạn, thuê xe bus, đặt xe đi sân bay, đặt vé xem phim, mua tour du lịch...

Điều thu hút người dùng sử dụng dịch vụ trực tuyến là giá cả luôn rẻ hơn dịch vụ tại chỗ. Chẳng hạn, nếu đặt trực tuyến một vé xe bus đi từ Las Vegas tới Los Angeles, giá khoảng 32USD. Nhưng nếu mua trực tiếp tại bến xe vào giờ chót, bạn phải trả tới gần 70USD. Đắt gấp đôi. Các dịch vụ khác cũng tương tự. Đây chính là yếu tố kích thích người dùng sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên nền 4G ở Mỹ cũng như các quốc gia khác.

Cuối năm 2016 và nửa đầu 2017 được dự đoán là thời điểm bùng nổ của mạng 4G tại Việt Nam và đương nhiên bên được hưởng lợi đầu tiên là người dùng. Tuy nhiên, liệu 4G có giúp viễn thông Việt Nam bắt kịp với thế giới hay không, câu trả phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà mạng.

Hoàng Thanh


Ý kiến bạn đọc