Bộ TT&TT cùng doanh nghiệp viễn thông ráo riết chặn "rác"

11:22, 12/07/2016
|

(VnMedia) - Vấn nạn tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo, lừa đảo vẫn gây bức xúc cho người dùng di động bất kể thuộc nhà mạng nào. Chính vì vậy, để hạn chế loại “rác” này, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp Viễn thông đã đưa ra nhiều biện pháp.

Cụ thể, hiện nay, tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp di động đều đã thiết lập, hướng dẫn thông tin liên quan tới thư rác. Ngoài ra, một số doanh nghiệp di động đã thiết lập đầu số tin nhắn để tiếp nhận phản ánh như đầu số 9198 của Viettel, 9241 của Mobifone.

Tuy nhiên, để chủ động theo dõi tình hình tin nhắn rác cũng như tiếp nhận phản ánh từ người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thiết lập riêng đầu số 456 được kết nối với tất cả các mạng di động Việt Nam và giao cho Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) quản lý, vận hành. Vì vậy, mọi người dân khi nhận được tin nhắn rác đều có thể phản ánh tới Bộ Thông tin và Truyền thông bằng cách rất đơn giản là chuyển tiếp (forward) tin nhắn đó tới đầu số 456.

Hướng dẫn chuyển tiếp tin nhắn rác tới đầu số 456

Hàng ngày, trung bình đầu số 456 tiếp nhận 2-3 nghìn phản ánh, trong đó cũng có nhiều phản ánh không phải là tin nhắn rác mà là các tin nhắn quảng cáo hợp pháp, do người dùng nhầm lẫn gửi về. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, VNCERT sẽ phân loại, đánh giá, thống kê các phản ánh và điều phối các doanh nghiệp di động để ngăn chặn, xử lý. Các doanh nghiệp di động sẽ căn cứ vào thông tin tiếp nhận được để cập nhật các từ khóa nhận diện trong tin nhắn rác vào các hệ thống kỹ thuật ngăn chặn tin nhắn rác. Các phản ánh của người dùng cũng là cơ sở để doanh nghiệp di động xác minh và dừng hợp tác với các đối tác (như các doanh nghiệp dịch vụ nội dung) phát tán tin nhắn rác.

Hoạt động xử lý thông báo tin nhắn rác

Đối với các tin nhắn rác bị phản ánh có tính nghiêm trọng, VNCERT sẽ phối hợp với các cơ quan khác của Bộ (Thanh tra, Cục ATTT) để xác minh, kiểm tra, xử lý. Trong thời gian qua, hàng trăm trường hợp được phát hiện, xử lý là nhờ kịp thời phát hiện thông qua phản ánh của người dùng trên đầu số 456. Cá biệt, có những tin nhắn rác lừa đảo người dùng hoặc có nội dung độc hại đã được chuyển sang cho cơ quan chức năng để xử lý. Đầu số 456 cũng giúp cho việc sớm phát hiện các loại hình tin nhắn rác mới, phức tạp để có biện pháp xử lý kịp thời.

Giới hạn tần suất nhắn tin

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đánh giá, nghiên cứu về các tiêu chí ngăn chặn tin nhắn rác và áp dụng thử nghiệm tại một số doanh nghiệp, trong đó có cả việc giới hạn tần suất nhắn tin từ mỗi nguồn gửi. Cụ thể, áp dụng việc ngăn chặn đối với các thuê bao thực hiện việc gửi >50 tin nhắn trong 01 phút và đánh giá để tối ưu tần suất.

Qua quá trình đánh giá, việc ngăn chặn tin nhắn rác theo tần suất cũng có hiệu quả nhất định (đặc biệt trong thời gian đầu áp dụng). Tuy nhiên cũng bộc lộ một số hạn chế như: chặn nhầm tin nhắn không phải tin nhắn rác của người sử dụng bình thường khi họ có nhu cầu gửi nhiều tin nhắn cùng lúc; bị lỗi thời nhanh do các đối tượng gửi tin nhắn rác điều chỉnh, thay đổi tần suất gửi để tránh được cách ngăn chặn này. Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương để doanh nghiệp viễn thông phải chủ động lựa chọn tần suất phù hợp thời điểm, đối tượng để bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động ngăn chặn tin nhắn rác.

Nhằm có cơ sở đề đưa ra các tiêu chí ngăn chặn tin nhắn rác phù hợp, Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông có báo cáo về tính năng và tự đánh giá mức độ hiệu quả của giải pháp kỹ thuật ngăn chặn tin nhắn rác của mình. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp viễn thông đều có triển khai giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác và một số doanh nghiệp đánh giá mức độ hiệu quả của giải pháp là khá cao (trên 99%).

Qua quá trình đánh giá, áp dụng thử nghiệm, để có thể ngăn chặn tin nhắn rác hiệu quả, về phương diện giải pháp kỹ thuật, cần áp dụng tổ hợp, đa dạng các biện pháp ngăn chặn khác nhau: từ khóa, tần suất, danh sách trắng/đen (blacklist/whitelist). Trong trường hợp chỉ áp dụng độc lập một biện pháp ngăn chặn theo tần suất sẽ không đảm bảo ngăn chặn hiệu quả, các đối tượng gửi tin nhắn rác sẽ tùy biến thay đổi và "lách" được. Do vậy, để ngăn chặn tin nhắn rác hiệu quả, doanh nghiệp viễn thông cần bảo đảm áp dụng đa dạng các biện pháp và phải chịu trách nhiệm đối với tính hiệu quả của giải pháp mình triển khai.

Trong thời gian tới, để tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác hiệu quả, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, Bộ TT&TT sẽ thực hiện mạnh mẽ công tác hậu kiểm, chế độ báo cáo. Doanh nghiệp viễn thông cần thống kê và báo cáo về số lượng tin nhắn rác đã chặn được trên hệ thống của mình (chi tiết số thuê bao và tin nhắn của cả 05 doanh nghiệp viễn thông). Trên cơ sở số liệu báo cáo, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đánh giá tính hiệu quả của giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác do doanh nghiệp triển khai trên cơ sở "kiểm tra chéo" số liệu báo cáo của doanh nghiệp (ví dụ: MobiFone báo cáo ngăn chặn được x tin nhắn rác gửi từ Viettel và y tin nhắn rác gửi từ Vinaphone, qua đó có thể nhận định Viettel đã để tối thiểu x tin nhắn rác và Vinaphone là y tin nhắn rác phát tán từ thuê bao của mình).

Thứ hai, Bộ sẽ xem xét để lựa chọn sử dụng một số thông tin thống kê của bên thứ ba độc lập và áp dụng để đánh giá tính hiệu quả của giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác.

Thứ ba, Bộ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động có cơ chế chia sẻ lẫn nhau thông tin về danh sách từ khóa, kỹ thuật ngăn chặn, ... trong đó vẫn tính tới cả giải pháp giới hạn tần suất nhắn tin cho mỗi nguồn gửi để nâng cao tính hiệu quả ngăn chặn tin nhắn rác.

P.V (Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc