(VnMedia) - Việc triển khai Chính phủ điện tử có thể rất linh hoạt, điều quan trọng là phải phù hợp với các công nghệ mới. Ở thời điểm này, việc làm thế nào đưa các dịch vụ công lên các thiết bị di động được đại diện của Qualcomm khuyến cáo nên có sự quan tâm thích đáng.
Tuần qua, Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2016 đã diễn ra tại Hà Nội. Theo thông tin được công bố tại Hội thảo, trong giai đoạn từ 2016 tới 2020, Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam sẽ hướng tới một số mục tiêu then chốt, chủ yếu là cải thiện và nâng cao các dịch vụ công. Người dân sẽ được cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế để giảm thời gian, số lần phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước.
Thêm vào đó, ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước cũng được đẩy mạnh để tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động. Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật tạo nền tảng phát triển CPĐT, bảo đảm an toàn, an ninh thông tinh; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, CSDL quy mô quốc gia trên cơ sở Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam cũng được chú trọng. Cuối cùng là thực hiện thành công các mục tiêu hàng năm nêu trong nghị quyết của Chính phủ về CPĐT.
Chia sẻ kinh nghiệm đưa công nghệ ứng dụng vào việc phát triển CPĐT tại các quốc gia với Việt Nam, đại diện của Qualcomm, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm Đông Dương cho hay, nhu cầu của người dân tiếp cận các dịch vụ công trên thiết bị mobile ngày càng nhiều. Đây là một xu hướng khá mới. Vì vậy, đại diện của Qualcomm khuyến cáo, các quốc gia trong đó có Việt Nam khi thực hiện chiến lược phát triển Chính phủ điện tử nên quan tâm với việc làm thế nào đưa các dịch vụ công lên các thiết bị di động.
Ông Thiều Phương Nam đưa ra khuyến nghị, phát triển CPĐT phù hợp với công nghệ mới. Cụ thể, ở thời điểm này, các cơ quan chức năng cần chú trọng cung cấp dịch vụ phù hợp với thiết bị di động để cung cấp cho người dùng. Nếu như trước đây CPĐT được truy cập trên máy tính là chủ yếu thì xu hướng trong thời gian gần đây lại cho thấy người dân tiếp cận dịch vụ công trên thiết bị di động ngày càng nhiều.
Với hạ tầng công nghệ phát triển mạnh, có tới 40% dân số dùng 3G, thêm vào đó số lượng smartphone ngày càng nhiều tại Việt Nam, nên đây thực sự là cơ hội để dịch vụ công đưa lên di động được sử dụng ngày càng nhiều. Như vậy, không có lý do gì mà lại không quan tâm tới việc đưa dịch vụ công lên di động nhiều hơn để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng.
Khẳng định phát triển Chính phủ điện tử muốn thành công thì cần đưa các dịch vụ công lên di động, điều mà đại diện của Qualcomm lưu ý khi đưa các ứng dụng công lên di động đó là vấn đề bảo mật thông tin khi thực hiện, đăng ký sử dụng dịch vụ khá quan trọng. Vì khi các dịch vụ công được đưa lên di động, nhất là các ứng dụng liên quan đến tài chính, đến các vấn đề riêng tư của người dân. Nhất là khối doanh nghiệp, các vấn đề bảo mật trên di động khi sử dụng các dịch vụ công phải được bảo đảm.
Với tầm nhìn về vấn đề bảo mật trên di động, ông Patrick Tsie, Giám đốc cấp cao Khối Marketing Kỹ thuật khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng Qualcomm đã cho hay, hãng cũng rất quan tâm tới vấn đề này từ khá lâu. Và Qualcomm không chỉ là hãng công nghệ sản xuất ra các con chip mà còn sở hữu các công nghệ bảo mật được cài lên các con chip đó.
Theo ông Patrick Tsie, giải pháp bảo mật tích hợp vào phần cứng của thiết bị sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với việc sử dụng các ứng dụng, phần mềm từ bên thứ ba. Theo ông Patrick Tsie, hiện trên thị trường có rất nhiều công ty về bảo mật nhưng hầu hết họ chỉ chuyên về phần mềm bảo mật chứ không chuyên về phần cứng bảo mật. Để giải quyết được triệt để vấn đề bảo mật trên thiết bị di động, các nhà phát triển cần đưa các tính năng bảo mật vào ngay trên phần cứng. Nền tảng phần cứng này sẽ hỗ trợ phần mềm. Kết quả của sự kết hợp giữa hai bước này là năng lực đảm bảo an toàn thông tin của thiết bị được tăng cường hơn. Từ năm 2008, Qualcomm đã đưa những công nghệ theo xu hướng này ra thị trường. Công nghệ này cũng liên tục được cập nhật các tính năng mới.
Cũng trong tuần qua, tại sự kiện Security World 2016 với chủ đề “An ninh, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu: Nhu cầu bức thiết trong thời kỳ kỷ nguyên số”, ông Patrick Tsie đã giới thiệu một giải pháp tổng thể có tên Qualcomm Haven Security Solution. Trong đó, nổi bật nhất là công nghệ cảm biến nhận diện vân tay 3D, công nghệ SafeSwitch và tính năng mã hóa nội dung số. Được biết, công nghệ nhận diện vân tay của Qualcomm sử dụng sóng siêu âm để khắc họa lại hình ảnh 3D của các mẫu vân tay, bao gồm cả rãnh nổi và rãnh chìm. Cảm biến này có thể được tích hợp ở các thiết bị với mọi chất liệu từ nhựa, kính, đến kim loại. Nó có khả năng đọc được vân tay của người dùng trong điều kiện bất thường như tay bị ướt, được phủ kem dưỡng da…
Công nghệ SafeSwitch giúp cho người dùng có thể khóa thiết bị từ xa trong trường hợp thiết bị bị thất lạc hay trộm cắp. Nhờ công nghệ này, mọi nỗ lực của kẻ gian nhằm khởi động lại hay khôi phục cài đặt gốc của thiết bị đều vô hiệu. Bên cạnh đó, Qualcomm còn có thể hỗ trợ các nhà cung cấp nội dung số bảo vệ sản phẩm khỏi mã độc và nạn ăn cắp bản quyền bằng cách mã hóa các bộ phim, bản nhạc...
Ý kiến bạn đọc