Giai điệu Tự hào và những điều thú vị

07:37, 07/02/2014
|

(VnMedia) - Với phiên bản mua của Nga, cùng ekip “khủng” gồm đạo diễn Việt Tú, giám đốc âm nhạc Quốc Trung, kịch bản Phan Huyền Thư - chương trình Giai điệu Tự hào đang là đối thủ cạnh tranh với các chương trình âm nhạc khác trên truyền hình.

Ảnh minh họa

NSND Quang Thọ trình diễn tác phẩm gây tranh cãi Tôi là người thợ lò

Giai điệu Tự hào được mua bản quyền từ chương trình Báu vật quốc gia của Nga. Đây là chương trình ca nhạc biểu diễn các tác phẩm âm nhạc của các thời điểm lịch sử trước đây, được làm mới với nhiều yếu tố kết hợp giữa ca sỹ thế hệ cũ và các ca sỹ trẻ hiện nay. Giai điệu Tự hào sẽ được thực hiện ghi hình 12 số cho 12 tháng, mỗi số là một chủ đề. Số 1 của Giai điêu tự hào đã phát sóng tối 25/1 trên kênh VTV1 với chủ đề Bài ca năm tấn gồm những ca khúc viết về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm thập niên 60 của thế kỷ trước.

Có nhiều điều hay và thú vị ở Giai điệu Tự hào. Đầu tiên là việc các ca khúc “đi cùng năm tháng” được tái hiện trên một sân khấu hoành tráng, hiện đại với phần âm nhạc cũng được “làm mới” thậm chí là những sự kết hợp táo bạo giữa âm nhạc cổ truyền dân gian với dòng âm nhạc du nhập từ phương Tây. Điểm thú vị thứ 2, đó chính là có tới 18 vị khách mời bình luận ngồi trên sân khấu chia làm 2 “đội”: Người lớn tuổi, và người trẻ. Hai “đội” khách mời sẽ đưa ra các ý kiến của mình về những bài hát được trình diễn trên sân khấu. Điểm thú vị thứ 3 đó chính là việc khán giả bình chọn trực tiếp tại trường quay. Không bị bất cứ một áp lực nào, tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào cảm xúc, vì thế, khán giả đã lựa chọn những ca khúc họ yêu thích bằng phương pháp bấm chiếc “điều khiển” và sẽ hiện kết quả trực tiếp trên màn hình, điều này khẳng định sự công tâm và khách quan gần như tuyệt đối trong việc bình chọn.

Số mở màn với chủ đề Bài ca năm tấn thực sự tạo được ấn tượng tốt đẹp. Phần âm nhạc khá độc đáo với Tiến lên chiến sỹ đồng bào bằng sự kết hợp giữa 2 nam diễn viên chèo và 2 ca sỹ underground đình đám, hay ca khúc Những ánh sao đêm với phần 1 là giọng hát của nghệ sỹ Quốc Hương bằng bang âm thanh và được tiếp nối trực tiếp trên sân khấu với tiếng hát Đức Tuấn, cô ca nương Kiều Anh - một gương mặt rất được yêu thích tại cuộc thi Vietnam Got Talent đã hát Quảng Bình quê ta ơi với phần solo ghi ta của nhạc sỹ Thanh Phương, hay Mr Đàm hóa thân thành “Cô thợ hàn” trong bài hát cùng tên cùng dàn múa hiện đại minh họa… thực sự là những tiết mục ấn tượng. Bên cạnh đó, NSND Quang Thọ với Tôi là người thợ lò, ca sỹ trẻ Tân Nhàn hát Bài ca năm tấn với phiên bản tương đối “truyền thống” cân bằng với những sự “làm mới” tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho khán giả.


Ảnh minh họa

Ca nương Kiều Anh và nhạc sỹ Thanh Phương cùng tốp Chèo trình diễn ca khúc Quảng Bình quê ta ơi

Phần bình luận của 2 hội đồng thực sự làm nên dấu ấn khác biệt cho Giai điệu Tự hào so với những chương trình khác. Nếu như các thành viên “đội” lớn tuổi thường chia sẻ cảm xúc khi ca khúc gắn liền với những kỷ niệm của họ thì đội “trẻ” lại rất thẳng thắn chia sẻ sự thích và không thích các bài hát cũ. Nhạc sỹ Trần Lập, bác sỹ Tăng Hà Nam Anh là những người thẳng thắn cho rằng, những ca khúc cũ viết dạng “cổ động” nó chỉ có ý nghĩa trong thời điểm đó, còn hiện tại, cuộc sống như một dòng chảy và âm nhạc phải mang hơi thở đời sống đương đại. Vì thế, vị bác sỹ này cho rằng anh không thể cảm nhận được cái hay, do đó không thích bài hát Tôi là người thợ lò. Trong khi đó, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha và đa số các thành viên đội “già” lại cho rằng đây là một trong số những ca khúc tân nhạc hay nhất của âm nhạc Việt Nam.

Cuộc tranh luận không chỉ xoay quanh bài hát, mà nó còn được mở rộng ra hơn ở những lĩnh vực khác như công nghiệp hóa nông thôn, vấn đề nhạc sỹ trẻ thiếu trải nghiệm sống,… khiến phần bình luận trở nên sôi nổi hơn rất nhiều. Ngoài những bài hát, phần “Hiện vật của quá khứ” cũng tạo ra những bình luận, tranh luận sôi nổi. Ở số đầu tiên, hiện vật là chiếc kẻng làm từ vỏ quả bom và chiếc “ăng-gô” gắn với thời bao cấp.. diễn viên điện ảnh Minh Châu đã xúc động nghẹn ngào khi nói về chiếc “ăng-gô” gắn với chị cùng biết bao kỷ niệm về 3 người anh trai là bộ đội Cụ Hồ, hay chiếc kẻng làm từ vỏ quả bom khiến bác sỹ Tăng Hà Nam Anh liên tưởng đến những vụ tai nạn thương tâm do những người vô tình đào được bom từ thời chiến tranh còn sót lại rồi đem cưa và phát nổ, những việc này lại liên quan đến công tác xã hội trong việc rà phá bom mìn còn sót lại khá nhiều trên những mảnh đất mà lính Mỹ từng rải thảm bom thời chiến…

Ảnh minh họa

Phần bình luận của "hội đồng trẻ" luôn gây bất ngờ tạo kịch tính cho chương trình

Một điều thú vị khác nữa của Giai điệu Tự hào đó là phần bình chọn. Mỗi khán giả sẽ được Ban tổ chức phát cho một chiếc điều khiển, và sau khi xem xong bài hát và nghe phần bình luận, các khán giả cùng khách mời bình luận sẽ cùng bấm chọn bài hát mà họ yêu thích. Và từ việc bình chọn trực tiếp này cho thấy cái nhìn nhiều chiều trong việc cảm thụ của khán giả. Có những bài như Những ánh sao đêm, Bài ca năm tấn… điểm số của khán giả “già” và khán giả “trẻ” khá tương đồng. Nhưng cũng có những ca khúc rất khác nhau về sự lựa chọn… những sự trái chiều này tạo nên sự thú vị và hấp dẫn cho chương trình.

Giai điệu Tự hào số 2 với chủ đề “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình” gồm những ca khúc viết xung quanh sự kiện Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975. Những bài hát như Đất nước trọn niềm vui (được kết hợp giữa một giọng ca nhạc đỏ nổi tiếng và 1 rocker), hay như Tàu anh qua núi được phối kiểu nhạc dance, Đêm nay anh ở đâu được phối khí mới mẻ… sẽ là những điều thú vị mà khán giả sẽ được thưởng thức.


Ngô Bá Lục

Ý kiến bạn đọc