"Hàng Thịt" hình thể hơn "Trương Ba" kịch nói?

10:13, 20/09/2013
|

(VnMedia) - Nếu như Hồn Trương Ba kịch hình thể hơi bị giản lược, hơi khó cho đa số dễ hiểu đầy đủ câu chuyện thì Hồn Trương Ba kịch nói lại hơi “bị” thừa, và làm cho quá dễ hiểu mọi chuyện.

>> Hồn Trương Ba: Kịch thể nghiệm cao hơn kịch nói

Kịch hình thể Hồn Trương Ba đưa vào nhiều thể nghiệm nhưng có cái tâm thế khá tĩnh, không ĐỘNG. Tác giả tương đối bình tĩnh trong việc quán xuyến cả một vở diễn có nhiều dụng công thủ pháp.

Ảnh minh họa

Cuộc sống daily - life trong vở kịch hình thể


Trong khi đó, kịch nói Hồn Trương Ba có chiều hướng thích nhấn mạnh những cái “mới mẻ”. Ngay trong trường đoạn dằn vặt nội tâm giữa hồn và xác (một sáng tạo cũng khá ổn) với lớp diễn Trương Ba và hàng thịt đối thoại cùng đạo cụ là những tấm xốp, sự nhấn quá mạnh yếu tố xung đột ấy đã cho thấy tác giả hơi thiếu một sự tỉnh. Đâm ra không thành tinh.

Về mặt làm mới, vở kịch hình thể là vở diễn đi xa nhất trong điều này. Không chỉ riêng ngôn ngữ hình thể. Trong suốt cả liên hoan, thực không có vở nào có thể gọi là làm mới (thấy được vở này và vở diễn của Đoàn Ca kịch Huế đã tư duy lại kịch bản của Lưu Quang Vũ theo cách tư duy của mình).

Vở diễn của nhà hát Kịch Việt Nam rõ ràng có một ý thức làm mới. Tuy nhiên, giữa nhiều những cải tiến nhỏ xinh khá tác động về mặt thị giác như cuốn sổ Nam Tào, chiếc xe mây scooter, dải yếm vợ hàng thịt ‘trói’ Trương Ba… chưa thể thấy một sự cách tân trong TƯ DUY của đạo diễn.

Hồn Trương Ba kịch hình thể không mạnh tay khai thác đậm nét những dằn vặt, những BI KỊCH của Trương Ba. Trong khi đó, Hồn Trương Ba kịch nói lại có vẻ hơi đào mạnh cái bi hài, và hơi say sưa với sự thể hiện triết lý.

Vở kịch hình thể có vẻ an nhiên, còn vở kịch nói lại nhiều sôi sục. Điều này thể hiện khá rõ suốt chiều dài vở diễn.

Ảnh minh họa

Vở kịch nói làm đậm những hiện thực xã hội


Trong kịch hình thể, nhận thấy tác giả có dụng công trong việc thể hiện sinh hoạt xã hội, là những bài đồng dao dân gian của trẻ nhỏ, là hoạt động thường nhật của nhà nông, hay cuộc sống daily - life ở nhà Hàng thịt... Còn trong kịch nói, yếu tố hiện thực xã hội được khai thác đậm nét, như tệ gái gú mà con trai Trương Ba đãi lý trưởng, như sự tham lam lươn lẹo dân buôn của những kẻ lái lợn...

Cá nhân thích sự mở rộng "không gian hiện thực" của vở kịch hình thể hơn nhiều lối khai thác “hiện thực xã hội” quen thuộc kia.

Ở đoạn kết, 2 cách xử lý cũng cho thấy 2 lối tư duy khác nhau.

Ở vở kịch hình thể, sau khi Hồn Trương Ba quyết định rời thân xác Hàng thịt, cuộc sống vẫn tiếp diễn trong những câu đồng dao… Anh Hàng thịt được nói là sống tốt hơn, và hồn Trương Ba vẫn nhẹ nhàng vĩnh hằng dõi theo gia đình ở bên “trên cầu ao bậc cửa, trong ánh lửa bà nấu cơm, trong vườn cây cái Gái nâng niu”…

Ở vở kịch nói, sau khi Hồn Trương Ba chọn lựa trả lại thân xác hàng thịt, anh hàng thịt sống dậy, lại tiếp diễn những chuỗi ngày cầm dao đuổi đánh vợ... trong tiếng cười của khán giả. Bà vợ Trương Ba thì trở nên thơ thẩn như khó thể nguôi ngoai nỗi mất ông chồng 60 tuổi, dù vẫn vẳng tiếng ông “tôi vẫn sống đây trên cầu ao, bậc cửa”...

Đó là khác biệt về CÁCH NHÌN, chứ không đơn giản là cách xử lý. Cái nhìn của Lan Hương là cái nhìn về vấn đề, trong khi cái nhìn của Tú Mai là cái nhìn về vụ việc.

Ảnh minh họa

Nhiều đoạn diễn của kịch hình thể chưa khiến khán giả dễ nhận diện


Vở kịch hình thể nhìn chung không tạo được nhiều phản ứng của khán giả. So với tất cả những gì bày biện ra, phần trăm tác động được đến khán giả hơi ít. Dù những sáng tạo trong vở không quá phô diễn (để bị chỏi) tương đối dễ chịu.

Hiệu ứng khán giả trong vở kịch nói lại rất tích cực – có lẽ là tích cực đầu bảng trong các buổi diễn của liên hoan. Khán giả xem say sưa, cười sảng khoái hơn bất cứ vở diễn nào. Và gật gù tâm đắc hay rì rào cắt nghĩa những câu nói mang triết lý.

Hai vở đều có dấu ấn diễn viên nhưng chưa trọn. Quốc Khánh là anh hàng thịt nhưng phần trăm anh “là ông Trương Ba” lại nhiều đến áp đảo. Nếu kịch hình thể phác họa khá sống động anh Hàng thịt thì kịch nói lại để hàng thịt hiện lên bằng lời nhiều hơn. Một xử lý khá thông minh của Quốc Khánh là giọng thoại (trầm nhẹ của Trương Ba và phè phỡn của hàng thịt) và cũng gây được hiệu ứng tốt. Nghe nói vai này ban đầu được định cho NSND Anh Dũng và nếu anh nhận vai này thì có lẽ đã có một hàng thịt đủ thú vị.

Ảnh minh họa

Không có ghế, nhiều khán giả phải đứng xem suốt buổi Hồn Trương Ba kịch nói


Tuy nhiên, bản kịch nói lại dành đất để phác họa dàn nhân vật. Trong vở kịch hình thể, nhiều những cảnh diễn ấn tượng như màn đánh cờ nhiều xung đột giữa “Trương Ba da hàng thịt” và ông bạn Trưởng Hoạt, ánh nhật nguyệt lúc tròn lúc tỏ, bà vợ lên trời kêu oan trong lặng lẽ quay lưng của Nam Tào, Bắc Đẩu… nhưng nhân vật lại chưa đủ NỔI (Trừ anh Hàng thịt và chị vợ). Còn bản kịch nói, sự cụ tỷ khiến các nhân vật đến với khán giả trong một nhận-thức-rạch-ròi, từ anh con trai Trương Ba, đến chị vợ hàng thịt, từ Nam Tào, Bắc Đẩu đến 2 kẻ lái buôn…

Cả 2 bản dựng đều chưa thực trọn vẹn. Vở kịch hình thể không phân tách rõ ràng cấu trúc vở diễn, một số đoạn không dễ cho khán giả hình dung và nắm bắt mạch chuyện. Còn vở kịch nói lại quá nhấn nhá, tham lam cắt nghĩa. Trong toàn bộ vở diễn, rất nhiều đoạn thật thà... Nếu vào một bàn tay biên tập tốt, vở diễn này có thể cắt bớt 20 phút.


Lam Giang

Ý kiến bạn đọc