Cha đẻ ca khúc 'Nhớ về Hà Nội' qua đời

16:35, 09/01/2013
|

(VnMedia) - Sau 1 tuần cấp cứu tại bệnh viện, nhạc sỹ Hoàng Hiệp - cha đẻ của các ca khúc nổi tiếng Nhớ về Hà Nội, Trở về dòng sông tuổi thơ, Trường Sơn đông, Trường Sơn tây... đã từ trần hồi 13h trưa nay, 9/1. Ông qua đời tại nhà riêng bên gia đình, thọ 82 tuổi.

>> Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đang nguy kịch

Sáng 2/1, sau khi nhạc sĩ bị ho ra máu, ngay lập tức người nhà đã đưa ông vào cấp cứu tại BV Nhân dân Gia Định. Trước đây, ông cũng đã bị tai biến 3 lần.

Anh Lưu Hà Xuyên, con trai của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, cho biết: “Sau tai nạn bị gãy chân, ba tôi bị bệnh tai biến, 3 lần tái bệnh dẫn đến việc phải nằm một chỗ suốt 3 năm qua. Đến hôm qua ông ho ra máu, gia đình đã đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Gia đình quyết định “còn nước, còn tát” và cầu nguyện cho ba tôi sẽ vượt qua được”.

Ảnh minh họa

 Nhạc sỹ Hoàng Hiệp và vợ trong thời gian đau yếu


Sau khoảng thời gian nằm bệnh viện để cấp cứu, nhạc sĩ Hoàng Hiệp không qua khỏi cơn nguy kịch. Ông được gia đình đưa về nhà riêng ở phường An Phú, quận 2, TP HCM và ra đi trong vòng tay người thân yêu.

Linh cữu nhạc sĩ được quản tại nhà tang lễ TPHCM (25 Lê Quý Đôn, TPHCM) lúc 16 giờ ngày 9/1 và sẽ đưa đi an táng tại Nghĩa trang TPHCM ngày 11/1. Trước khi qua đời, vào ngày 8/1, ông được nhận Huy hiệu 65 tuổi Đảng do Bí thư Quận ủy Q.2 trao tặng ngay tại bệnh viện. 

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn. Ông sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới - An Giang.

Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1948, tuy nhiên những tác phẩm thật sự để đời của ông chỉ xuất hiện trong những giai đoạn sáng tác sau đó vài thập kỷ.

Việc tập kết ra Bắc như một khởi điểm cho cảm hứng sáng tác dạt dào của người nhạc sĩ Nam Bộ này. Năm 1957, bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương do ông viết chung lời với nhạc sĩ Đằng Giao là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của Hoàng Hiệp.

Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (khoảng 1955 đến 1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ: Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác.

Sau 1975 Hoàng Hiệp trở về miền Nam, công tác tại Nhà xuất bản Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội Âm nhạc TP.HCM và một thời gian làm Tổng thư ký Hội. Dấu ấn của thời kỳ sáng tác này, có thể kể đến: Trở về dòng sông tuổi thơ, Con đường có lá me bay (1977), Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em (bài hát trong phim Tội lỗi cuối cùng)...

Ảnh minh họa

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp là cha đẻ của hàng loạt ca khúc để đời của âm nhạc đại chúng Việt Nam, cũng như đóng góp ca khúc cho phim, kịch, cải lương


Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói: Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu... nhạc cho các vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và Nghĩa; viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu: Cánh đồng mơ ước, Bản nhạc người tù, Mùa gió chướng, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Biệt động Sài Gòn... Ông còn là dịch giả cuốn Nhạc lý cơ bản của Spasspbine và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc.
 
Những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ, dễ truyền xúc động. Bài hát Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp là một tác phẩm đặc sắc, nếu không muốn nói là kinh điển, của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 về tình yêu thành phố bên bờ sông Hồng. Đây cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về Hà Nội.

Năm 2000, Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.

Năm 2007, chương trình Con đường âm nhạc vinh danh những sáng tác của ông được đông đảo công chúng yêu thích.

Ngoài các ca khúc như Nhớ về Hà Nội, Câu hò bên bờ Hiền Lương tự viết lời riêng thì Hoàng Hiệp chủ yếu là phổ nhạc cho thơ: Ngọn đèn đứng gác (thơ Chính Hữu), Đất quê ta mênh mông (thơ Dương Hương Ly), Nghe hò đêm bốc vác, Qua cầu Tuỳ Cốc, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Tiểu đội xe không kính (thơ Phạm Tiến Duật), Như lá (thơ Lâm Thị Mỹ Dạ), Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang), Con đường có lá me bay, Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền)...


Lê Hà - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc