Quanh co "Duyên nợ" đời người

07:00, 23/06/2016
|

(VnMedia) - "Duyên nợ" là câu chuyện về những phận người - một tập truyện ngắn mới nhất và mang nhiều điều mới vẻ của nhà văn Nguyễn Thị Huệ Ninh.

Trước khi đến với "Duyên nợ" - tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Nguyễn Thị Huệ Ninh - tôi đã từng biết đến những truyện ngắn mini của chị. Đó là những tác phẩm được in rải rác trên các báo và đã từng được nhiều bạn đọc yêu thích vì sự ngắn gọn, bất ngờ, đầy tính kịch. Nhưng cá nhân tôi không mặn mà lắm vì tôi cho rằng những truyện ngắn ấy vẫn mang dáng dấp “học trò”. Đến khi đọc "Cây nước mắt", một tiểu thuyết lịch sử đã được dựng thành phim của chị, tôi đã bất ngờ bởi một lối viết dày dặn, chín chắn mà đong đầy cảm xúc. Và vì thế, khi đọc "Duyên nợ", tôi đã háo hức mong đợi. Lần này Huệ Ninh sẽ mang đến điều mới mẻ và thú vị gì?

"Duyên nợ" là câu chuyện về những phận người. Viết về thân phận con người có lẽ không còn là điều mới lạ, bởi suy cho cùng, văn học là triết lí về thân phận con người trong những thời đại khác nhau. Tuy vậy, cách viết của Huệ Ninh vẫn có điểm độc và lạ. Trong một vài truyện, chị vẫn dựng lên những số phận đầy phong ba bão tố với những biến động thăng trầm, với những kịch tính dữ dội (Huyền thoại biển, Kho báu). Nhưng cách làm quen thuộc của chị vẫn là viết về những con người trong muôn mặt lo toan, tính toán của đời thường.

Cái độc đáo trong truyện ngắn của chị là ở chỗ, chỉ bằng vài câu chuyện cỏn con, vài nét phác họa đơn giản, dăm ba biến cố đời sống như có như không mà lại khiến người đọc ám ảnh khôn nguôi về những phận người. Kỳ lạ là mỗi truyện khi tách ra dường như hơi đơn giản, thậm chí có phần hơi nhạt. Nhưng khi đặt nó trong một hệ thống, trong cái nhìn liên văn bản với các tác phẩm khác trong toàn tập nó lại trở thành một mảng màu không thể thiếu trong bức tranh đa sắc những thân phận con người.

Phận những người đàn ông mãi gặm nhấm nỗi đau bị bỏ rơi và nỗi cô đơn bên Đôi ly pha lê như một thứ ảo ảnh của hạnh phúc; hay suốt một đời kiếm tìm Nữ hoàng thủy tinh trong vô vọng; hay ngẩn ngơ trong một trại thương điên khi đã mất tất cả trong "Duyên nợ"… Phận những người đàn bà cứ mãi trong cái vòng luẩn quẩn tìm kiếm tình yêu và hạnh phúc để rồi cô đơn vẫn hoàn cô đơn, để hóa thành bông hoa héo rũ trước cuộc đời (Độc lập muôn năm, Kén chồng, Kẻ trọc đầu…).

Nghe thì to tát vậy thôi, chứ khi đọc mới thấy Huệ Ninh kể về đời người chỉ qua vài ba nét chấm phá đơn giản mà nhức nhối- cái mà cố nhà thơ Trần Hòa Bình gọi là những “chi tiết sắc nhói”. Đó có thể là một "Chiếc hộp quý" mà người dì tưởng tượng ra bao vàng bạc châu báu, để rồi đang tâm hủy hoại cuộc đời của cô cháu gái. Chỉ khi dì què, cháu què nhìn nhau, người ta mới ngán ngẩm bởi bi kich đời người sinh ra từ ảo ảnh phù sinh, nhưng cũng là sinh ra từ lòng ích kỉ đáng sợ của con người. Đó có thể là một Đóa quỳnh đen đầy ám ảnh mà người đàn ông đã tàn nhẫn lấy sơn nhuộm lên màu trắng tinh khiết vốn có của hoa quỳnh. Chỉ một niềm vui tinh thần nho nhỏ mà hai mẹ con mong đợi trong cái địa ngục trần gian là gia đình mà người chồng tàn ác cũng hằn học cướp đi. Hơn hết, nó là biểu hiện của sự mọi rợ về văn hóa mà người vợ phải chịu đựng trong một cuộc hôn nhân chênh lệch. Cái chết của đứa con cuối tác phẩm cứ đeo bám, day dứt mãi tâm trí người đọc. Cậu bé muốn lấy cái chết của mình để giải thoát cho mẹ, vì ra tòa, không ai chịu giải quyết cho một vụ li hôn chỉ vì một đóa hoa. Có những nỗi đau con người phải chịu đựng vô hình mà nhức nhối đến vậy, dường như đạo đức hay pháp luật đều không thừa nhận nhưng nó lại tàn phá tâm hồn của con người trong im lặng đớn đau.

Còn nhiều chi tiết như vậy, một suất "Cơm nguội" trừng phạt cả đời những kẻ phản bội, giả dối; một "Lời nguyền linh ứng" mà khiến cả tội nhân và nạn nhân đều mắc kẹt trong quá khứ ân hận, một "Đôi ly pha lê" cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt” như để khắc sâu hơn nỗi cơ đơn của đời người… Đọc truyện của Huệ Ninh, người ta mới chợt nhận ra rằng: cái quyết định phận người đôi khi lại là những thứ rất cầu ơ, nhưng những ngẫu nhiên của số phận soi sáng những tất yếu của lòng người. 

Nhà văn Huệ Ninh
Nhà văn Huệ Ninh

Viết về những phận người, Huệ Ninh thường để con người đi hết một vòng quanh co rồi lại gặp nhau vì “duyên nợ” chưa dứt. Chỉ có điều vật đổi sao rời, mọi thứ đã không còn như xưa, chỉ còn lại sự hoang hoải của tâm hồn. Đôi bạn gặp lại nhau nơi cửa chùa sau bao năm nhưng kẻ phản bội đâu còn dám nhận hai chữ tình bạn, chỉ có thể sám hối tự trừng phạt chính mình (Cơm nguội). Đôi vợ chồng gặp nhau ở bệnh viện tâm thần, khi đã mất tất cả, chỉ còn lại tâm hồn trẻ thơ vô cầu vô dục. Người ta cứ phải đi hết một vòng luẩn quẩn mới nhận ra hạnh phúc ở ngay bên mình (Duyên nợ). Đôi tình nhân gặp lại trong hoàn cảnh trớ trêu để chấm dứt mọi hi vọng, cũng là chấm dứt mọi nỗi đau, để con người có thể bước qua quá khứ (Lần sinh nhật thứ 23).

Phận người là vậy, là khi con người đánh mất hay bỏ lỡ những giá trị nhân văn, lạc bước trong những tính toán phù hoa, để rồi kết lại chỉ là nỗi cô đơn thăm thẳm và những thế giới tinh thần bị tổn thương, vĩnh viễn không bao giờ hàn gắn được. Tôi đã từng kinh sợ khi đọc “Độc lập muôn năm”. Một cô gái trẻ, đã mệt mỏi trên đường tình, chẳng thể tìm được sự hòa hợp, đồng điệu với bất kì ai, không còn niềm tin vào bất kì điều gì. Cô ta tự tưởng tượng có một nửa bên cạnh mình, tự trò chuyện với cái bóng của mình, tự huyễn hoặc mình đang có đôi có cặp, và tự cảm thấy vui sướng, hạnh phúc. Và cô ta tự sinh con không cần đến đàn ông! Đó là cách mà tác giả diễn tả tận cùng của nỗi cô đơn.

Trong một thế gới nhiễu loạn các giá trị hay đầy rẫy những sức ép như thời hiện đại mà chúng ta đang sống, khi con người không biết bấu vúi niềm tin vào đâu trong một “Thời đại mất Chúa”, dường như bất cứ lúc nào người ta cũng có thể ngẩn ngơ hay phát điên. Và hình như ai rồi cũng có lúc mang những triệu chứng giống như một con bênh tâm thần. Ở phương diện này, nhiều tác phẩm của Huệ Ninh đã chạm được đến những nỗi niềm của con người thời đại - những hoang hoải, tan vỡ, cô đơn , lạc lối, trầm cảm, đớn đau…

Nhiều khi tôi ngỡ mình đang cầm trên tay tập truyện ngắn của một nhà văn hẳn là già dặn, từng trải, đã đi qua nhiều biến động của cuộc đời. Đôi khi tôi không hiểu vì sao một cây bút còn rất trẻ như Huệ Ninh lại viết được như vậy. Từ cái nhìn sắc sảo, đa chiều, lật tẩy mọi lớp hoa hòe che phủ trên bản chất giả dối; đến cách suy ngẫm, triết lí về đời người; đến cách diễn tả nỗi đau của tâm hồn con người một cách đầy day dứt, ám ảnh. Đọc "Duyên nợ" tôi thấy mình già hơn, nhưng cũng thấu hiểu nhiều hơn.

Tuy vậy, là một nhà văn trẻ, Huệ Ninh vẫn không tránh được cách nhìn đôi lúc đơn giản và lãng mạn về cuộc đời. Một vài truyện có phần kết còn nhẹ, làm hao hụt đi một phần sức nặng của tác phẩm. Song tôi hiểu rằng, lúc viết những truyện ấy, cô ấy mới chỉ là cô gái đôi mươi vừa mới bước vào đời. Bằng chứng là ở chặng đường sau, trong những sáng tác như Đằng nào cũng chết, Đóa quỳnh đen, ta thấy cô ấy đã dần trưởng thành và cũng sâu sắc hơn rất nhiều trong cách nhìn, trong văn phong.Và vì thế, vẫn như mọi lần khi khép lại một tác phẩm của Huệ Ninh, tôi lại háo hức mong đợi vào những tác phẩm tiếp theo của nhà văn. Tôi biết là: Cô ấy vẫn không ngừng sáng tạo và biết cách tạo nên sự khác biệt cho riêng mình.


Ý kiến bạn đọc