Trang Trịnh và giấc mơ kéo nhạc cổ điển ra khỏi "viện bảo tàng"

07:05, 15/02/2016
|

(VnMedia) - Trang Trịnh bảo, cô khao khát được cùng công chúng bước vào thế giới kỳ diệu của âm nhạc. Vì thế, cô luôn đặt mình vào vị trí công chúng nhạc cổ điển, để tự thay đổi bản thân mình cho phù hợp với thị hiếu còn đang nghi ngại và dè chừng với âm nhạc bác học.

Theo đuổi con đường trở thành một người truyền cảm hứng, người nghệ sỹ biểu diễn và đồng thời là nhà giáo dục sáng tạo, Trang Trịnh đang gặt hái được nhiều thành công kể từ sau quyết định táo bạo, trở về quê hương với người chồng Hàn Quốc, bỏ lại sau lưng những cơ hội quý giá phát triển sự nghiệp violin ở nước ngoài.

Trở về Việt Nam, cô đã có được những thành tựu bằng sự tận tâm cống hiến và một sự nhiệt thành với khán giả trẻ Việt Nam, với những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt đến với âm nhạc cổ điển.

- Một sự trở về với đầy ắp ý tưởng, sẵn sàng đối mặt với chông gai trong những dự án rất mới mẻ, táo bạo. Bạn nói gì về con đường mà bạn tin là sẽ gặp nhiều trắc trở đó với âm nhạc cổ điển? 

Animateur (nghĩa gốc là người làm cho thứ gì đó trở nên sống động) - người truyền cảm hứng, người nghệ sỹ biểu diễn và đồng thời là nhà giáo dục sáng tạo như nhạc trưởng Leonard Bernstein hay pianist nổi tiếng Glenn Gould là con đường nghệ thuật mà Trang đang theo đuổi. 

Trang tin rằng âm nhạc không chỉ tồn tại một cách vật lý bằng các sóng âm, cũng không chỉ là một loại phương tiện thể hiện cảm xúc cá nhân của nghệ sỹ. Nó tồn tại ở một tầng sâu sắc hơn - giữa nghệ sỹ và công chúng. Vì vậy khi chuẩn bị cho các buổi diễn, Trang luôn đặt mình ở vị trí công chúng - nhất là những ai chưa từng nghe nhạc cổ điển. Trang cũng có một mong muốn, hay nói đúng hơn là khao khát, được cùng công chúng bước vào thế giới kỳ diệu của âm nhạc. Mà để làm được điều đó ở Việt Nam thì biểu diễn không thôi là không đủ.

Trang làm các buổi biểu diễn sáng tạo, kết hợp với các loại hình nghệ thuật thị giác (ví dụ như dự án Nhật Ký Dương Cầm, Beethoven Fantasy) Trang chơi nhạc ngoài phố với các em nhỏ (Ví dụ như Lễ Hội Muông Thú Luala Concert) Trang trò chuyện về âm nhạc cho các bạn sinh viên khoa học (Ví dụ như tại Trại hè khoa học), các em học sinh và người trưởng thành (ví dụ như ở CUCA Music - chương trình Tôi Nghe Nhạc) . Trang tạo ra sân chơi thực hành âm nhạc cho cộng đồng (Ví dụ như buổi diễn Sing For Joy mới đây 28/11/2015). Ngoài ra Trang cũng tham gia nghiên cứu với các nhà âm nhạc học hàng đầu như Greg Sandow (Juilliard School).

Trang vẫn trên con đường tìm hiểu công chúng và trau dồi khả năng của mình để có thể đưa ra những sản phẩm âm nhạc sáng tạo hơn nữa.

Trang Trịnh và ông xã
Trang Trịnh và giấc mơ kéo nhạc cổ điển ra khỏi "viện bảo tàng"

- Trở về nước với ấp ủ trẻ hóa nhạc cổ điển, bạn và ông xã đã thực sự có được những thành tựu đáng nể. Chia sẻ về những thành tựu đó, bạn có thể nói một chút về những lý do, động lực và những khó khăn, thách thức mà bạn gặp phải trong hành trình mang âm nhạc đến với công chúng Việt Nam?

Trang cảm thấy mình rất may mắn vì có thể làm việc tại Việt Nam trong thời điểm này. Có thể nói rằng Việt Nam hiện tại đang rất cởi mở với nghệ thuật. Trước kia Trang đã nghe nhiều những nhận xét có phần bi quan về thái độ của công chúng đối với âm nhạc cổ điển. Nhưng với hàng loạt phép thử là những buổi biểu diễn “cháy vé” trong vài năm vừa qua, Trang nghĩ rằng điều cần thay đổi không phải là thái độ của công chúng, mà là thái độ của người làm nghệ thuật. 

Dĩ nhiên, người làm nghệ thuật cũng vướng phải nhiều cái khó. Khó từ việc tìm kiếm một ekip thực hiện (nghệ sỹ đâu có thể tự làm tốt việc thiết kế tờ rơi, bán vé, hậu cần…vv), khó đến việc có được không gian cần thiết để luyện tập (đã có khi Trang phải tự đầu tư cho mình đi “công tác” 2 tháng sang Anh để có được sự tĩnh lặng cho việc tập luyện, khi chưa kịp quen với sự ồn ã trên dưới, karaoke tại gia, còi xe inh ỏi ở Hà Nội).

Bài toán về kinh tế cũng không dễ giải quyết khi mỗi buổi biển diễn được đầu tư khoảng từ 4 tháng đến cả năm để thực hiện lại chỉ có thể diễn ở một vài sân khấu đủ tiêu chuẩn - số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay (Nhà hát lớn hai miền, nhà hát của nhạc viện vvv) với lượng khán giả tối đa chỉ vài trăm người. 

Nhưng trong cái khó đó, người nghệ sỹ lại càng cần phải sáng tạo. Trang vẫn luôn tin rằng nếu mình có một giá trị có thể đóng góp cho xã hội, thì mình sẽ có thể tồn tại được ở xã hội ấy. Trang và Sung-Min vẫn đều đặn đi diễn nước ngoài và điều đó giúp cân bằng và “nạp năng lượng” để có thể tiếp tục cống hiến tại Việt Nam

- Năm qua, Trang Trịnh đặc biệt gây ấn tượng với dự án giành cho các em nhỏ "Dàn hợp xướng và giao hưởng kỳ diệu". Bạn chia sẻ gì về điều này?

Được làm việc với các em nhỏ trong Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ diệu (MCO) là một đặc ân lớn. Công việc này là một ước mơ chung của Sung Min và Trang ngay từ khi còn là sinh viên tại Anh. Trang luôn mong rằng mình có thể tận mắt chứng kiến và trải nghiệm sức mạnh thay đổi cuộc sống của âm nhạc. Ước mơ ấy thành sự thật mỗi khi Trang nhìn thấy sự tự tin, niềm vui, sự trưởng thành của các em nhỏ sau mỗi buổi học. Đối với bản thân Trang và Sung-Min, đó là cơ hội quý giá nhất.

Dĩ nhiên, công việc ấy không hào nhoáng. Nó đòi hỏi sự cần mẫn của một người gieo hạt, nó thực tế như việc giặt và phơi 50 bộ quần áo sau mỗi lần các bé biểu diễn chẳng hạn. Nhưng đó cũng là công việc tuyệt vời vì Trang có thể nhìn thấy những vết thương được âm nhạc chữa lành, những đôi mắt lúc trước còn tự ti giờ tràn đầy tự hào khi đứng trên sân khấu. 

- Trang có nghĩ thật may mắn trong cuộc đời mình tìm được người bạn đồng hành cùng chí hướng và tâm huyết hay không?

Anh Sung-Min là một nghệ sỹ mà Trang kính nể và cũng là một người đàn ông Trang có thể tin tưởng và chia sẻ mọi suy nghĩ. Có những nhu cầu có phần “quái dị” của người làm nghệ thuật ít khi được hiểu, được trân trọng. Chẳng hạn như việc bỗng chuyển thành người ngủ ngày và thức về đêm, hay vì chuẩn bị biểu diễn mà trở nên khó tính và nhạy cảm. Lúc thì Trang đóng vai người quản lý, lúc lại là anh Sung-Min. Cả hai chăm sóc nhau để có thể có những sản phẩm nghệ thuật tốt nhất. Điều đó đối với Trang là một may mắn lớn.

Trang thích những chuyến lưu diễn tại châu Âu. Sau những đêm diễn căng thẳng sẽ là cốc cafe nhìn ra tháp Eiffel hoặc những chuyễn tàu xuyên tuyết ở Áo. Những chuyến tàu dài cùng là khi cả hai trò chuyện về những dự định tương lai, về Beethoven và Mozart, Monet và Goethe. Trang cũng thích những lúc ngắm anh múa chân tay để thêm vào vốn tiếng Việt ít ỏi khi giảng bài cho các em nhỏ trong Dàn Hợp xướng và Giao Hưởng Kỳ Diệu. Những lúc ấy Trang nghĩ rằng dù công việc có khó khăn đến thế nào, chỉ cần hai người đồng lòng thì không gì là không thể.

- Trong vóc dáng nhỏ bé của Trang, người ta cảm thấy mến phục và dành nhiều lời khen ngợi, không chỉ bởi ngón đàn làm mê lòng người mà còn bởi những tình yêu vô bờ bến của bạn với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt. Tôi nghĩ, bạn không làm cái lớn để gây dựng tiếng vang, vì bạn đã có đủ đầy những điều đó. Với các em nhỏ, điều mà bạn mong mỏi nhất khi mang âm nhạc cổ điển đến với các em là gì?

Âm nhạc là một thế giới kỳ diệu, nơi sự độc đáo của từng cá nhân tạo nên một tập thể hoà hợp, nơi khuyến khích sự đổi mới mà vẫn trân trọng truyền thống, nơi tiếp nhận những khác biệt nhưng lại được xây dựng trên trật tự của luật lệ, nơi đề cao sự hứng khởi nhưng lại yêu cầu lòng kiên trì bền bỉ. Và tất cả tồn tại để hướng tới những gì xuất sắc, đẹp đẽ và chân thành nhất. Đó là thế giới mà Trang muốn các bạn nhỏ được trải nghiệm. Mà không chỉ các bạn nhỏ, Trang muốn tất cả mọi người đều có thể trải nghiệm “xã hội vui vẻ” ấy trong âm nhạc.

Đối với những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, có người đã nói rằng: Đừng đưa cá cho các em, mà hãy đưa cho các em cần câu để các em biết tự câu cá. Trang đồng ý với ý kiến đó, nhưng nghĩ rằng như vậy là chưa đủ. Đừng chỉ đưa cho em cần câu và dạy các em câu cá, mà hãy dạy em biết khát khao sự xuất sắc trong việc thả mồi, trân trọng sự kiên trì và trí thông minh trong việc tìm nơi bắt cá, hãy dạy em biết yêu những dòng sông và biển cả, dạy các em biết chân thành với sức lao động của chính mình. Những điều ấy sẽ giúp các em tiến xa hơn là chỉ ngồi câu cá ở ven sông. Từ khát khao ấy, các em có thể ước mơ lớn hơn. Sự chân thành sẽ giúp các em đi xa, và tình yêu sẽ giúp các em biết lựa chọn và vượt qua khi phải đối mặt với thử thách. 

Âm nhạc là nơi các em có thể học những điều ấy. Và đó là thứ mà Trang và các cộng sự mong muốn nhất. Dự án Dàn hợp xướng và Giao hưởng kỳ diệu hoàn toàn không có mục đích đào tạo hay phát hiện tài năng âm nhạc, vì điều đó tự thân sẽ xảy ra khi việc dạy và học nhạc được làm tử tế. Mục đích của dự án xây dựng cho các em một tinh thần mạnh mẽ, hay là sự “Sung Túc của Tinh Thần”.

- Có lúc nào trong hành trình quyết định trở về Việt Nam, với mong muốn mang âm nhạc cổ điến đến gần khán giả trẻ, mang âm nhạc sưởi ấm trái tim và tình yêu thương với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, Trang Trịnh thấy mình chùn bước và vắt tay lên trán suy nghĩ về những cơ hội sáng lạn hơn gọi mời mình trong cuộc sống? 

Trang cũng là con người nên cũng có lúc mệt mỏi. Nhưng mệt mỏi chứ không hối hận và nhụt chí. Hầu hết các công việc Trang làm đều là những việc ít người hoặc chưa có ai làm tại Việt Nam. Điều này đẩy Trang vào vị thế khá đơn độc và mạo hiểm. Nhưng mỗi khi đứng trước một sự lựa chọn, Trang đều đặt nó vào “bức tranh” của mục đích sống. Vì rốt cuộc, sự thành công không có một mẫu số chung, mà nó tuỳ thuộc vào triết lý sống của mỗi người. 

Trang cũng thuộc tuýp người không quá cứng nhắc trong việc đình hình cuộc sống của mình. Biết đâu ngày mai thức dậy Trang bỗng lại mong muốn được trở thành một nhà văn. Và nếu ước mơ ấy cứ lớn dần theo thời gian, thì biết đâu Trang sẽ lại đi theo tiếng gọi ấy để trao đi một giá trị khác cho xã hội. Điều quan trọng là mình đã sống hết mình ngày hôm nay, làm việc hết mình ngày hôm nay, yêu thương hết mình ngày hôm nay.

- Xin cảm ơn Trang Trịnh!


Ý kiến bạn đọc