Những "cú phốt" về phục trang, bối cảnh phim lịch sử

15:07, 04/11/2015
|

(VnMedia) - Làm phim lịch sử khổ trăm bề, tốn trăm kiểu và cũng đau đầu vạn lần. Động đến sử Việt, chuyển tải thành phim là câu chuyện luôn làm khó các đạo diễn. Không ít bộ phim đã dính "phốt" về phục trang, bối cảnh, lời thoại... và mất cơ hội ra mắt khán giả Việt.

Nổi đình đám trong câu chuyện này chính là việc bị cho là “sao chép” nguyên bản phục trang, bối cảnh của Tàu trong phim “Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”. Bộ phim do Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất, đáng ra sẽ được công chiếu vào tháng 9/2010 và đã có lịch lên sóng VTV. Tuy nhiên, bộ phim này sau khi chỉnh sửa ít nhất 3 lần, phải bỏ đi nhiều cảnh theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim: cầu dích dắc trên mặt hồ, cảnh quần chúng với trang phục và người dân Trung Quốc, một số lời thoại hiện đại chưa phù hợp… mà vẫn chưa có cơ hội lên sóng.

8-phimTL-aa.jpg
Các vai quần chúng trong phim thuê diễn viên của Trung Quốc
lelongdinhphim.jpg
 
0809-avabobaphimThangLong3.jpg
Bối cảnh tại Hoành Điếm và phục trang của phim "Đường tới thành Thăng Long" bị chê kém thuần Việt

Ở thời điểm đó, những hình ảnh và trailer được đoàn làm phim tiết lộ đã thổi bùng dư luận khi nhiều ý kiến cho rằng phim bị ảnh hưởng đậm nét của Trung Quốc trên mọi mặt, từ phục trang tới bối cảnh. Việc mời một đạo diễn tên tuổi của Trung Quốc là Cận Đức Mậu, việc nhúng tay bởi nhà biên kịch nổi tiếng Trung Quốc là Kha Chung Hòa - từng là biên kịch những bộ phim Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính... cũng làm cho người xem qua trailer có cảm giác gờn gợn thiếu đi tính thuần Việt.

Hàng trăm diễn viên phụ là người Trung Quốc, một tay ngang như Trịnh Văn Sơn viết kịch bản về phim lịch sử, một đạo diễn trẻ Việt Nam như Tạ Huy Cường được giao trọng trách đối trọng với tay gạo cội Cận Đức Mậu… Phục trang của phim, dù được phía Việt Nam thiết kế nhưng lại hoàn toàn thuê đối tác Trung Quốc thực hiện phần may. Đó là chưa kể theo tiết lộ của họa sỹ Phan Cẩm Thượng trên một tờ tạp chí, rằng có thực việc thiết kế của ta một đằng, nhưng sản phẩm do Trung Quốc may lại ra một nẻo, và hoàn toàn bị áp đặt theo ý của họ. Có tới 700 bộ trang phục cổ được huy động cho phim, và vì thế, việc thuê lại phục trang của họ cũng tất yếu dẫn tới việc giống Tàu.

“Đường tới thành Thăng Long” được quay gần như chính ở phim trường tại Hoành Điếm - Trung Quốc. Sự cẩn thận của ông Trịnh Văn Sơn - nhà sản xuất lúc đó cũng không thể lại nổi với nhà kiểm duyệt, dù trong tay ông có sự cố vấn của Họa sĩ, TS. Đoàn Thị Tình về phục trang, họa sỹ Phan Cẩm Thượng về bối cảnh, GS Lê Văn Lan cố vấn lịch sử.

Hơn 100 tỷ tiền đầu tư cho 19 tập phim bị đổ xuống sông biển. Dù đã cẩn thận hết mức trong việc mời những cố vấn có tên tuổi, nhưng “Đường tới thành Thăng Long” vẫn không có cơ hội được lên sóng.

Không ít bộ phim làm về lịch sử, dã sử cũng chịu những điều tiếng về việc bóp méo lịch sử, bóp méo trang phục lịch sử hoặc bị chê vì quá kém thị hiếu. Bộ phim “Mỹ nhân kế” đình đám của Nguyễn Quang Dũng cũng chịu không ít điều tiếng vì sự lạ hoắc, lạ huơ của phục trang phim dã sử. “Anh chàng vượt thời gian” từng gây hẫng khi lên sóng mới nửa chặng đường phải dừng lại cũng vì câu chuyện phục trang của phim.

Làm phim lịch sử, sự kỳ công là rất quan trọng. Đặc biệt làm về sử những giai đoạn ít tư liệu tham chiếu, các nhà nghiên cứu còn đối chọi nhau về quan điểm. Việc tốn kém chiếm tới chi phí 1/5 bộ phim dành cho phục trang khiến cho những ai bắt tay vào phim lịch sử rất ngao ngán – nhất là những hãng phim tư nhân phải tính bài toán doanh thu.

“Mỹ nhân” của Đặng Thái Thụy cũng đang dính vào chuyện bị cho là cẩu thả nghiêm trọng trong việc phục trang cho các nhân vật thời triều Nguyễn. Những bổ tử bị cho là sai lêch với tư liệu, quá hiện đại và bị sao chép cẩu thả hình ảnh của những lối vẽ hiện đại như Chibi hay Vua sư tử Lion King.

EWFTjNCgM76I7EA9wYJYmK7hERo3uwQhrahJXYYnGgw_resize.jpg
 
6jj8FPQKtm8A4ytXW48JbZJAxpMI3R6VHCuSZ5C6GEg_resize.jpg
Phim "Mỹ nhân" bị chê cẩu thả trong trang phục

Dù cả đạo diễn và tác giả kịch bản đều cho rằng, thời kỳ lịch sử đó có ghi chép lại đúng hình ảnh bổ tử để phân biệt phẩm hàm các quan lại, nhưng việc thiết kế và cho ra sản phẩm bổ tử đúng như hình ảnh hay không lại là câu chuyện khó kiểm soát. Chuyên viên phục trang của “Mỹ nhân” từ chối trả lời vì bận rộn cho phim khác. Đạo diễn của phim thành khẩn nhận lỗi nếu có sai sót, và cũng chia sẻ đang trong quá trình tìm hiểu xem sai sót ở khâu nào. Số phận của "Mỹ nhân" còn chưa được định đoạt khi mới đây trên một tờ báo, hé lộ thông tin Cục Điện ảnh yêu cầu nhà sản xuất giải trình về sự cố phục trang. 

Trao đổi với phóng viên VnMedia sáng nay (4/11), đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết, đoàn đang họp bàn lại và có phương hướng khắc phục. Cụ thể phải tìm ra xem sai sót đến đâu và sẽ có giải trình rõ ràng với bên Cục Điện ảnh. "Chúng tôi sẽ không lấp liếm hay bao biện những sai sót" - đạo diễn phim "Mỹ nhân" bày tỏ chân thành. 

Từng chuyển thể nhiều bộ phim lịch sử, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng – người vừa gây tiếng vang với “Thầu Chín ở Xiêm” chia sẻ sự khó khăn của các nhà làm phim về lịch sử. Như cá nhân anh, trước khi sản xuất bộ phim về Bác Hồ, anh phải cử chuyên viên phục trang của anh sang Thái để nghiên cứu về phục trang thời trẻ của Bác Hồ tại Thái. Những phác thảo đầu tiên, anh đã phải gạt đi để làm lại.

“Loạt phục trang đầu tiên chúng tôi phải bỏ đi hết làm lại do chất liệu và cách may chưa ưng ý. Nhiều bộ bên phục trang phải thực hiện may tay hết. Có nhiều chi tiết rất đơn giản thôi nhưng quan trọng là phải đúng lịch sử" - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ. 

Giang Phạm


Ý kiến bạn đọc