Câu chuyện về 5 chiếc valy của một Trainer

15:39, 27/11/2015
|

(VnMedia) - Cuộc đời chị gắn bó với 5 chiếc valy màu sắc, để những người thân chị, những người xung quanh thấy trong hành trình trên 100 chuyến đi một năm đó, khi nhìn màu sắc chiếc valy, sẽ hiểu chị đang mang tâm huyết của mình đến với vùng đất nào. Bản lĩnh, đanh thép nhưng vẫn dịu dàng và đầy truyền cảm, chị  Hương Lan đã gây ấn tượng với tôi về câu chuyện nghiệp đời làm Trainer của chị bằng sự dịu ngọt mà không kém phần chông gai như thế.

Chị bày tỏ, nhiều người nhầm tưởng Trainer là giảng viên hay diễn giả và nghĩ đó là nghề hốt bạc. Nhưng không phải thế, biết chấp nhận đổ mồ hôi, xương máu và thất bại, biết vượt qua định kiến không phải là nghề bán nước bọt, mới thấm thía, chỉ khi xác định trainer là Nghiệp, người ta mới dám hy sinh nhiều tới thế.

Trainer là Nghiệp chứ không chỉ là Nghề

20 năm ra trường, từng trải qua những vị trí tưởng chừng khó khăn tới muốn dừng bước, nhưng chị Lan đã vượt qua những rào chắn đó bằng một sự nỗ lực gấp bội phần.

Chị Hương Lan
Chị Hương Lan

22 tuổi, bước chân ra khỏi khoa Quốc Tế Học trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, chị dò dẫm vào lĩnh vực bảo hiểm với tất cả sự mơ hồ lẫn háo hức. Những bài giảng ban đầu của các thầy,cô đã lôi cuốn chị đến với cái nghề mà cả xã hội cho rằng đó là sự lừa lọc, là nghề không có lương, chỉ có hoa hồng. Là một nghề bán nước bọt mà xã hội thời ấy cho rằng, con người sẽ sớm gặm mòn gót chân mình khi khai thác hết những mối quan hệ ruột thịt, thân thiết để bán bảo hiểm. Chị mặc kệ, vượt qua những định kiến ấy, tháng đầu tiên, ở thời điểm những năm đầu 2.000, chị có hoa hồng tháng đầu 13 triệu. Và sau đó, con số ấy cứ nhân lên, có tháng chị hưởng mức hoa hồng hơn cả trăm triệu.

Nhưng đó không phải là điều khiến tôi muốn gặp chị. Vì người bán hàng, nhất là ở lĩnh vực bảo hiểm, thì nhiều người giỏi lắm. Tôi tò mò gặp chị vì cú rẽ ngang sang làm huấn luyện viên, giờ trở thành một Trainer cấp cao, có những lời mời kiếm cả ngàn đô chỉ bằng một buổi chia sẻ, nhưng lại từ bỏ số tiền đáng mơ ước đó, để ngày ngày được gắn bó với đội ngũ TVBHNT.

Chị bảo “Là một giảng viên đi lên từ cấp thấp nhất của ngành bảo hiểm, sau đó lên trưởng nhóm, trưởng nhóm cấp cao, trưởng phòng, trưởng phòng cấp cao rồi rẽ sang huấn luyện. Những tháng ngày đầu trải nghiệm cho mình những bài học đắt giá ngày hôm nay. Mọi người hiểu nhầm nghề này phải đi dạy một ai đó, nhưng tôi chỉ muốn hướng dẫn các bạn đi lên từ bỡ ngỡ, làm theo những gì công ty  có, làm theo những cấp bậc danh giá mà họ có thể đạt tới. Ngoài thị trường người ta nhầm đây là nghề hot, một tiếng diễn giả từ 10 triệu đến 1.000 đô. Chúng tôi quan niệm đó không phải là nghề mà là nghiệp”.

Chia sẻ tâm huyết “Nếu khi nghĩ đó là nghiệp thì mình sẽ biến lời nói của mình thành tiếng vọng ngược lại để ngươi ta có thể nghe mình. Là nghiệp sẽ dám quên hết tất cả để sống chết với nó. Mỗi năm chúng tôi có cả trăm chuyến đi. Chúng tôi phải hy sinh rất lớn về gia đình. Nghiệp mới tồn tại được còn nghề không tồn tại. Là nghiệp là sống với nghề và chết với nghề”.

Chị phân trần, nếu ai muốn kiếm tiền dễ với công việc này thì đừng làm. Và nếu muốn mình làm cho mọi người đều phải nghe theo, thì cũng đừng nên chọn trainer. Bởi vì, khi làm trainer, bạn luôn phải suy nghĩ trăn trở sẽ mang điều gì đến với các học viên, bạn nhân lên hiệu ứng tốt với bao nhiêu người. Bạn phải chấp nhận nhiều lần thất bại trước đám đông, ê chề vì câu chuyện mình nói không mang lại hiệu ứng. Bạn phải chấp nhận có rất nhiều người đã từ bỏ bạn ra đi thì mới có ngày hôm nay bao nhiêu người nghe theo bạn.

Ngày đầu tiên bước chân sang làm giảng viên, cũng như nhiều người khác, chị có chút phân vân. Chị phải từ bỏ công việc mang lại hoa hồng lớn, để hưởng mức lương nhân viên ở khởi điểm, áp lực thì nhiều hơn. Nhưng vì lỡ  thần tượng hóa các diễn giả đi trước, chị chọn cách dấn thân. Và ngày đầu tiên đó, chị đã thấy mình thất vọng vì sự thất bại trước 200 học viên. Với chị, đó là thất bại của người không chứng minh được mình là người đứng lớp, mà chỉ là người chia sẻ. 10 năm làm lại từ đầu, với người phụ nữ đã có ba con là một việc quá sức.

Có lẽ, tình yêu với nghề đã hun đúc lên người phụ nữ bản lĩnh ấy. Chị chấp nhận bỏ tiền túi, nghỉ ba tháng không lương đi học các khóa về nghề. Rồi chị mới thấm, muốn người ta nghe mình, phải nạp kiến thức liên tục. Thậm chí, chị còn sang cả Thái Lan học tâm thế chiến binh để vượt qua mọi cảm xúc sợ hãi như đi trên than hồng, đi trên thủy tinh… chia sẻ với các học viên bằng kinh nghiệm thực tế, phải tái tạo năng lượng cho mính mình mới truyền cho nhiều người cảm hứng. Và điều quan trọng với nghề của chị, chị luôn đặt việc học kỹ năng ứng xử lên hàng đầu vì những khóa học đó, giúp mình tiết chế hơn, để mình không thể sống thiếu thực tế với các học viên.

Chị chia sẻ, hạnh phúc của người Trainer là  đứng đằng sau và ngắm nhìn những thành công của các học viên, khi họ thành công chẳng khác nào liều thuốc cho chị thêm động lực để đi tiếp hành trình sự nghiệp.Cũng giống như một huấn luyện viên nhìn thấy các cầu thủ của mình ôm chiến thắng trên đỉnh vinh quang. 

Cuộc đời là những chuyến đi

40 tuổi, đã trải qua nhiều những buổi diễn giảng thích thú, đứng trước cả những vị lãnh đạo cấp cao ra nước ngoài học không dưới 10 lần khóa học cao cấp… nhưng chị vẫn tự tin để nói với họ, về những trải nghiệm mà chị có được.

Ngoài lĩnh vực bảo hiểm tay thuận, chị có nhiều cơ hội đứng trước hàng ngàn học viên để nói về những chủ đề khác. Chị từng có kỷ niệm đến với Apatit Lào Cai, hay Vietnam Airlines đứng lớp 16 buổi để nói trước hàng trăm học viên là các lãnh đạo cấp cao ở đó. Vượt qua những bối rối ban đầu, chị đã tự tin để hoàn thành tốt 16 buổi diễn thuyết ngoạn mục. Rồi ngày đầu tiên khi rẽ ngang sang lĩnh vực không phải bảo hiểm, chị đã thành công khi chia sẻ với các học viên về câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu thời hiện đại, những trăn trở của tuổi vị thành niên và đặc biệt 2 năm qua chị là giảng viên luôn đồng hành của chương trình “ 5 triệu bà mẹ Việt Nam nuôi dạy con tốt”.

Mỗi chiếc valy gắn bó với chị
Chị sở hữu 5 chiếc valy màu sắc khác nhau - biểu tượng cho mảnh đất mà chị sẽ đến để giảng dạy

Nhưng với chị, khó khăn nhất là đứng trước các bạn học viên là sinh viên. Vì với chị, họ là những tờ giấy trắng, định hướng không tốt, họ sẽ oán thán mình. Vì thế, buổi nói chuyện với 3.000 sinh viên Đại học Mở là một kỷ niệm có lẽ không bao giờ quên trong cuộc đời chị khi nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của các học viên, nhận được những tin nhắn, cuộc gọi cảm ơn vì đã giúp các em nhìn ra tương lai trước mặt.

Cũng như những người phụ nữ khác, chị cũng có trách nhiệm của một người vợ, người mẹ của ba đứa con. Cũng nhiều phàn nàn, cũng điều tiếng, cũng có những giận dỗi khúc mắc, nhưng chị bảo, chị luôn đặt tay lên tim thầm cảm ơn gia đình đã luôn bên cạnh để ủng hộ chị. Điều mà chính chị vượt lên được, là khi có cơ hội, chị mời chồng tham dự tất cả các chuyến đi để chồng hiểu công việc mình nhất. Không e ngại định kiến xã hội, chị  hạnh phúc nói, có lẽ chị là người phụ nữ hiếm hoi và may mắn khi ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng. “Nếu gia đình yêu thương, che chở nhau thì xã hội không làm mình đổ bể được. Mình chỉ tan vỡ khi thiếu bản lĩnh và không hiểu nhau. Nghề nghiệp mà thành công thì hạnh phúc gia đình chiếm 70% trong đó. Vì thế, cuối tuần tôi luôn giành thời gian nấu nướng cho gia đình. Chồng tôi vẫn đùa rắng đấy mới chính là gia vị cuộc sống vì hiếm lắm tôi mới có thể vào bếp được”.

Chị nói vui với tôi, chị có 5 chiếc valy với 5 màu sắc khác nhau. Và chỉ cần nhìn chiếc valy đó, người nhà chị sẽ hiểu, hôm nay chị sẽ đến với mảnh đất nào. “Tôi có ba đứa con, hạnh phúc nhất khi trở về là chúng ngồi xếp đồ cho mẹ đi công tác. Valy đỏ, con lớn tôi luôn xếp đồ cho mẹ đi cùng cao mà nó nói đó là đi miền Tây Bắc. Tôi thường xuyên rơi vào tình thế, có khi đi từ Lạng Sơn về Hà Nội lúc 10 giờ đêm, chỉ kịp đứng ở dưới nhà đổi valy rồi lại lên xe đi tiếp. Sự đánh đổi của nghề rất lớn, chúng tôi chấp nhận đi chinh chiến mọi miền”.

Mệt mỏi, áp lực khi là phụ nữ, chị bày tỏ, “Trong những năm đầu tiên khi rẽ sang nghề, mỗi ngày có 30 phút nghĩ bỏ nghề. Ngày nào cũng vậy như một chu trình. Vì nó quá áp lực và có lẽ chưa bao giờ hết khó khăn với nghề này.  Cứ nghĩ đến cái cảm giác hai bàn chân đau buốt 10 vết chai dầy cộp trên 10 đầu ngón chân vì đi và đứng lớp có ngày đến ba ca, mỗi mùa lạnh về lại tê buốt, thốn đến tận tim, đứng trước học viên chúng tôi vẫn cười và truyền cảm hứng đầy nhiệt huyết cho họ , để rồi trên đường về toàn thân ê ẩm.. Sau đó qua trải nghiệm, rèn luyện và trải nghiệm nhiều năm thì mỗi ngày tôi chỉ còn lại 30 giây muốn bỏ cuộc. Và tự  chúng tôi lại phải  tìm đến việc áp dụng kỹ năng kiềm chế cảm xúc,tự động viên mình để vượt qua rồi bạn thấy đó, chúng tôi vẫn yêu nghề”

Chị Lan Hương và các học viên
Chị Hương Lan và các học viên

Vì Nghiệp chị không còn nhiều cơ hội đi làm diễn giả cho các chương trình ngoài để kiếm tiền, giờ chị giành thời gian cho những bài giảng bám sát thực tế với đội ngũ của ngành BHNT.Hiện tại chị đang rất bận rộn đảm trách vai trò Phụ trách mảng bán chéo giữa khách hàng Phi Nhân Thọ và Nhân Thọ toàn Miền Bắc của một công ty BHNT hàng đầu tại Việt Nam. Tôi hỏi lý do nào chị lại rẽ sang kênh bán hàng vào lúc mà đúng ra Nghề của chị đang đi vào giai đoạn trưởng thành? Chị nói, một Trainer của BHNT thực sự không đơn thuần là giảng dạy, mà còn phải có thực tiễn, và có những ứng dụng giữa thất bại và thành công.Vì thế chị không muốn những bài giảng đơn điệu và thiếu thực tế, nên vừa giữ vai trò huấn luyện vừa thúc đẩy doanh số bán hàng, và khi  có cơ hội là chị lại đam mê thiết kế và rút kinh nghiệm thực tế cho bài giảng của mình với đội ngũ, ngày qua ngày thêm gần gũi hơn. Hỏi chị, có đỉnh cao nào mà chị chưa chạm tới, chị bộc bạch:  chị sẽ phấn đấu trong 5 năm nữa để chạm tới vị trí Master Trainer – mức cao nhất trong cái Nghiệp cuộc đời mà chị lỡ đam mê.

Nếu xem đây là nghề sẽ nghĩ đến lợi nhuận. Nhưng nếu là nghiệp thì không ai hỏi lương. Vì nghiệp sẽ tạo nên cuộc sống của bạn chứ không tạo nên lương của bạn” – chị kết thúc câu chuyện bằng một phong thái tự tin, bản lĩnh và hào hứng đến thế. 


Ý kiến bạn đọc