Văn minh vật chất và sự “trần hóa” chốn tâm linh

09:05, 09/03/2015
|

(VnMedia) - Trong những năm gần đây, sự phát triển của nền văn minh vật chất đã góp phần không nhỏ vào việc làm xấu đi hình ảnh của người Việt chốn tâm linh.

Tâm thức của loài người và của từng dân tộc bao gồm cả trí tuệ và tâm linh, trong đó đời sống tâm linh rất khó nhận diện nhưng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành đời sống văn hóa của từng dân tộc.

  Ảnh minh họa

 Hàng nghìn người dân đổ về Đình, Chùa đầu năm


Sự ảnh hưởng của Tam giáo đồng nguyên thể hiện rất rõ qua các cơ sở tâm linh của người Việt. Bất cứ làng xã nào đều có những miếu, đình thờ nhiên thần (thần mưa, gió, núi, đá…), nhân thần (thành hoàng làng, anh hùng dân tộc…) hay đền thờ Khổng Tử và chùa thờ Phật.

Cũng như tại các gia đình, việc cúng tế tại những cơ sở tâm linh đều được thực hiện vào ngày rằm, mồng Một hàng tháng và những ngày lễ quan trọng trong năm: Tết Nguyên Đán, rằm tháng Giêng, tết Hàn thực…

Người dân đến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vào các ngày lễ dâng hương hoa, đồ cúng để cầu xin các vị thần, Phật một cuộc sống bình yên, no đủ, vụ mùa tươi tốt . Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế và nền văn minh vật chất mà những lễ hội dân gian, việc cúng lễ tại các cơ sở tâm linh đang dần mất đi nét đẹp vốn có.

Với giá trị truyền thống là nuôi dưỡng đời sống tâm linh của con người thông qua các hình thức tín ngưỡng dân gian, lễ hội nhưng những năm gần đây, chúng ta có thể nhận thấy rất rõ sự mai một của giá trị truyền thống này. Từ việc người dân đổ xô đến các nơi thờ tự gây ách tắc giao thông, dịch vụ tại các lễ hội bùng phát, người dân rải tiền khắp nơi… rồi những mâm cao cỗ đầy mà người ta dâng lên thần linh cho những lời khấn thăng quan tiến chức, buôn may bán đắt…

  Ảnh minh họa

  Mâm cỗ cúng toàn đồ mặn tại một Chùa ở Hà Nội


Đã có không ít những bài tư vấn từ việc chuẩn bị đồ cúng, nghi thức cúng lễ hay lên án, can ngăn việc khách hàng hương “trần hóa” chốn tâm linh nhưng có lẽ sự sai lệch trong suy nghĩ của người dân trong nền văn minh vật chất không dễ gì thay đổi. Vậy nên cứ đến hẹn lại lên, báo chí lại được dịp lên tiếng khi chứng kiến cảnh khách thập phương đi lễ từ nửa đêm gà gáy, chen lấn “hối lộ” tượng thờ hay hình ảnh những mâm cỗ cúng toàn sơn hào hải vị, cao lương mĩ vị, những tờ tiền rải từ cửa chùa đến hồ sen…

Trong đời sống hàng ngày, con người ganh đua, so đo nhau chuyện bằng cấp, tiền bạc, chức vị… rồi từ chính những sự so đo kéo cả vào đời sống tinh thần, nơi giao lưu giữa con người và các bậc thần linh.

Trước kia, vì nền nông nghiệp lúa nước, người dân cúng lễ cũng chỉ là xôi, oản, hương hoa… những sản vật do chính mình làm ra và dù có mua thì cũng chỉ là những thức đơn giản như chính đời sống của người dân lúc bấy giờ. Nhưng ngày nay, nền kinh tế phát triển, con người cần ăn ngon mặc đẹp, nhà lầu xe hơi… cùng sự ảnh hưởng của văn hóa vật chất trong từng cá thể nên đồ cúng cho thần linh cũng phải “xa hoa” như chính những gì diễn ra ở trần gian.

Sự thay đổi ban đầu có lẽ chỉ từ một vài khách hành hương nhưng chính sự khác biệt ấy khi đi kèm với bản ngã về sự đố kỵ và tính bắt chước của con người đã dần làm biến chuyển suy nghĩ của mọi người.

Người dân đi cúng lễ cầu xin một năm mới có sức khỏe tốt, gia đình thuận hòa rồi đến công việc làm ăn, học hành, sự may mắn… đều xuất phát từ chính những nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày. Người Việt vốn có tính soi xét con gà tức nhau tiếng gáy, cuộc sống trần thế để ý nhau rồi vào chốn thần, Phật cũng không bỏ được cái chấp ấy. Khách hành hương soạn mâm lễ cũng để ý người bên cạnh có gì, đặt lễ bao nhiêu… rồi từ đó mà bắt chước, vô tình tạo nên một xu thế trong việc cúng bái.

  Ảnh minh họa

 Chen chân "hối lộ" các thần thánh

Sự ảnh hưởng của nền văn minh vật chất trong đời sống đang dần làm mất đi vẻ đẹp về văn hóa tín ngưỡng của người Việt đồng thời đang làm mất đi hình ảnh về chốn linh thiêng của người Việt. Có lẽ sự gần gũi của các vị thần, Phật với đời sống con người đang dần bị hiểu thành “thường hóa” với các hoạt động “giải thiêng” chốn tâm linh.


Thúy Hằng

Ý kiến bạn đọc