Hội Lim: Tìm về giá trị truyền thống

15:54, 03/03/2015
|

(VnMedia) - Dù được biết đến với hình ảnh những câu hát đối nam nữ, những miếng trầu têm cánh phượng, hay những trang phục truyền thống làm nên biểu tượng thì hội Lim vẫn mang đầy đủ những đặc trưng của một hội làng đang dần biến đổi giữa truyền thống và hiện đại.

Bắc Ninh với hội Lim và hình ảnh những liền anh, liền chị đã đi vào lòng không ít du khách trong và ngoài nước Liền anh đôi mắt rạng ngời/ Áo dài khăn đóng nụ cười trên môi/ Liền chị dải yếm lụa sồi/ Áo the quần ống nón ngời quai thao để rồi mỗi người lại như có một cái hẹn Hội Lim tháng Giêng, mười ba /Quê Hương quan họ dân ca - xin mời (Mùa xuân về hội Lim, Hương Liên).

Hội Lim và những nghiên cứu lịch sử

Nằm trong vùng văn hóa châu thổ sông Hồng, Bắc Ninh là cái nôi phát sinh của người Việt (Nguyễn Văn Huyên) sự sinh hoạt làng xã một vùng thuộc đồng bằng sông Hồng điển hình cho văn hóa người Việt thế kỷ XVII, XVIII (Hữu Ngọc, Lãng du trong văn hóa Việt Nam).

  Ảnh minh họa
 

Cũng giống như các làng xã khác trên mảnh đất hình chữ S, hội Lim được tổ chức trên khu vực đồi Lim tại Lũng Giang sau được phát triển và lan rộng thành hội của một vùng rộng lớn diễn ra trên khu vực huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Theo văn bia Hồng Vân từ ký thì hội chùa Lim được diễn ra trên mảnh đất tương đối bằng phẳng được gọi là Hồng Vân. Chùa được xây dựng trên núi từ thời Lê với hệ thống câu đối, đại tự, bia đá, chuông đồng, tượng bà Mụ Ả… nổi bật nhất là chiếc chuông đồng được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ tư.

Theo nghi lễ cổ truyền và những gì trên Hồng vân từ ký thì hội Lim xưa được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Tám theo đúng Xuân Thu nhị kỳ: Tháng tám anh đi chơi xuân/ Đồn đây có hội trống quân anh vào… sau chuyển sang hội vào đầu mùa xuân, các làng xã trong tổng Nội Duệ tổ chức tế, lễ, rước thần và hát xướng ở đình làng.

Hội Lim: Giá trị đâu chỉ ở câu hát

Không ít người biết đến hội Lim chỉ với hình ảnh những liền anh liền chị, chiếc nón quai thao hay những câu hát Mấy khi khách đến chơi nhà/ Lấy than, quạt nước, tiễn trà người xơi / Trà này ngon lắm người ơi/ Người xơi một chén cho tôi bằng lòng rồi lưu luyến Người ơi người ở đừng về…

  Ảnh minh họa

  Dòng người đổ về Hội Lim

Dù chỉ nổi bật và được ghi nhớ trong lòng du khách qua những làn điệu quan họ nhưng hội Lim vẫn mang đầy đủ những hoạt động và giá trị của một lễ hội dân gian truyền thống của Việt Nam: Sau những ngày tháng dồn nén, chồng chất của đời sống trần tục, đám đông dân làng (gồm đủ mọi thành phần: nông dân, địa chủ, cường hào) bước vào thời kỳ sinh hoạt “linh thiêng”…. Và lễ hội đã góp phần củng cố cái tinh thần cộng đồng của làng quê xóm cũ… (Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm).

Với phần lễ là đoàn rước với đông đảo người dân tham gia từ những em bé 6,7 tuổi đến các cụ cao niên trong làng với những bộ trang phục truyền thống Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối.. . Trang phục liền chị thường được gọi là "áo mớ ba mớ bảy", …Tuy nhiên trong thực tế, các liền chị thường mặc áo mớ ba… (Tìm hiểu về dân ca quan họ). Nếu như hội làng là hội được tổ chức tại đình, miếu hay chùa trên phạm vi một làng theo địa giới hành chính thì hội Lim là hội của 6 làng nên đám rước sẽ đi và thực hiện các nghi thức cúng tế thành hoàng tất cả các làng tổ chức hội dọc theo dòng sông Tiêu Tương.

Theo nghi thức cổ truyền, trong phần tế lễ cảm tạ thành hoàng đã ban cho người dân trong vùng một cuộc sống ấm no, yên bình thì những liền anh, liền chị phải đứng thành hàng trước cửa lăng rồi hát vọng vào những bài có lời ca ngợi công lao của vị thần được thờ như một lời cảm tạ công ơn thần Phật của những người dân Kinh Bắc.

Hội Lim khẳng định bản sắc văn hóa vùng châu thổ sông Hồng với đầy đủ ý nghĩa về mặt tâm linh và văn hóa. Đó là sự tưởng nhớ đến những người có công xây dựng nên những ngôi chùa, là sự ghi nhớ về sắc phong được ban cho làng… và sâu xa hơn nữa đó chính là cơ hội để những thế hệ đi trước giáo dục truyền thống tốt đẹp cho những thế hệ sau.

Tìm về quan họ truyền thống

Mỗi năm, vào ngày chính hội (ngày mười ba tháng Giêng) lại có hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước đổ về hội Lim trảy hội. Dù được tổ chức hàng năm chứ không còn là Ba năm một cái hội chùa/ Nào ai có dám bỏ bùa cho ai/Già già, trẻ trẻ, gái trai/ Đua nhau ăn mặc hán hài đi xem/ Hội Lim ai thấy chẳng thèm… nhưng có lẽ cái “thèm” đó vẫn còn nguyên nên người đi trảy hội cứ năm sau đông hơn năm trước, nô nức, nườm nượp.

Dù vẫn có cả phần lễ và phần hội với nhiều trò chơi dân gian: đập niêu, thổi cơm thi, đấu vật… như những lễ hội dân gian khác của Việt Nam nhưng hội Lim được biết đến nhiều nhất vẫn chỉ là những làn điệu quan họ: Mời trầu, Người ơi người ở đừng về, Khách đến chơi nhà…

Sự “chuyên nghiệp hóa” hội Lim khiến Quan họ trở thành một loại hình biểu diễn cho những du khách thưởng thức và chính điều đó đang dần làm thay đổi giá trị truyền thống của nét đẹp văn hóa Kinh Bắc này.

Quan họ Bắc Ninh là quan họ truyền thống được biết đến với hoạt động chơi quan họ chứ không phải hát quan họ như chúng ta vẫn nói (Lối chơi quan họ, NXB Thông Tin, 2006). Những làn điệu quan họ vốn là câu hát đối, thể hiện cái tình của những liền anh, liền chị: Tìm người chẳng thấy người đâu/ Lội sông thì ướt quanh cầu thì xa/ Người về mau chóng người ra/ Kẻo em chờ đợi sương sa lạnh lùng… hay những lời hát ca ngợi công lao của các vị thần, người có công trong vùng: Chúng em ra tận đầu làng/ Nghe lời thầy dạy đón già thập phương/ Lễ này có quả có hương/ Dâng lên tam bảo người biên đôi dòng…

Những nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Văn hoá quan họ còn là cách ứng xử thật khéo léo, tế nhị, kín đáo và mang đầy ý nghĩa như các làn điệu mời nước, mời trầu thật chân tình, nồng thắm … rồi ca xướng cho tan canh mãn võ, cho tàn đêm rạng ngày, rồi các làn điệu chia tay giã bạn đầy quyến luyến

Từ một hội làng tiến dần thành hội vùng, điểm văn hóa nhưng dường như Quan họ Bắc Ninh lại đi từ nét đẹp văn hóa thành “nét đẹp thương mại” rồi lại mong có một ngày nào đó hội Lim trở thành một “bảo tàng sống” về quan họ Bắc Ninh, hàng năm bảo tàng “mở cửa” một lần, cho người tham quan và tham dự được biết mọi “lề lối” hát quan họ xưa, trên đồi, dưới thuyền, trong nhà, ban ngày và ban tối… (Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm).

Muốn trở thành một “ bảo tàng sống” theo mong muốn của G.S Trần Quốc Vượng thì có lẽ hội Lim và quan họ phải trở lại cái “cổ” trước đã. Quan họ hãy trở về với cái tình mà người hát đối với nhau Những nơi tít tắp bờ tre/ Nhưng duyên cứ định trời xe anh vào hay cái tình của những người dân Kinh Bắc với du khách thập phương: Khăn hồng đã gửi cho ai/ Thêu đôi loan phượng chẳng phai màu hồng/ Ước gì có cánh như chim/ Bay về đây đấy cùng nhau sum vầy…


Thúy Hằng

Ý kiến bạn đọc