Đoạn video tiêu đề “làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ” đang lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Đúng như tiêu đề, nội dung chính của đoạn video là hướng dẫn người dùng tạo một chiếc bồn tắm thạch.
Mọi chuyện sẽ không gây tranh cãi nếu như trong đoạn video không xuất hiện cảnh nhân vật nữ chính nằm rên rỉ bên trong bồn tắm vì “bị chuột rút”, theo lời nhân vật nữ.
Cảnh nhân vật nữ chính rên rỉ trong bồn tắm khiến nhiều người bức xúc khi đây là những video dành cho trẻ em. Ảnh cắt từ video. |
Từ đoạn video của YouTuber Thơ Nguyễn, nhiều người đã lần tìm xem nhân vật này là ai và tìm ra một số cảnh quay, đoạn video khác với nội dung được cho là “không phù hợp” cho trẻ em. Trong khi đó, bản thân kênh YouTube này được định hướng dành cho trẻ em và có 1,4 triệu lượt đăng ký theo dõi.
Khác với những video phản cảm trước đây hướng đến trẻ em, những đoạn hình ảnh có âm thanh "rên rỉ" có độ dài chỉ khoảng 1 phút, lại bị giấu khá sâu trong video. Do đó phụ huynh rất khó phát hiện khi vừa bật video.
Ngay bên dưới đoạn video trên YouTube, cũng có khá nhiều ý kiến bình luận phê phán video này. “Làm cho con nít mà có những tiếng kêu rên như vậy. Yêu cầu tác giả sửa lại hoặc xóa đi”, một người bình luận.
“Đây không phải nội dung dành cho trẻ em. Không có gì bổ ích cả. Tắm theo cách này chỉ có hỏng người”, một người dùng khác bình luận.
Mục đích của đoạn rên rỉ được đưa vào video cũng không thực sự rõ ràng. Nếu để "câu view", chiến lược này có vẻ đã thất bại khi lượt xem, like của video không tăng cao so với các video "sạch", không có nội dung "nhạy cảm" khác.
Tuy vậy, từ khi video rên rỉ được đăng tải, nhiều trang mạng xã hội đã chia sẻ, "chế" các biểu cảm, âm thanh trong video. Nhiều đoạn video khác từ kênh cũng được mang ra để "soi" biểu cảm nhân vật. Dẫu vậy, lượng người tò mò tìm kiếm từ khóa "chị Thơ Nguyễn" không hề tăng mạnh trên Google từ sau đoạn video.
Các thông số không cho thấy "tác dụng" của việc thêm đoạn rên rỉ vào clip. |
Có khá nhiều ý kiến khác khi xem một số video từ kênh này nhận định nội dung video thực sự không hữu ích cho trẻ em. Bên cạnh đó, nhân vật nữ trong clip thường có những biểu hiện quá lố. Họ không tìm thấy điểm hấp dẫn ở những clip này.
Mặc dù vậy, trên mạng vẫn có những ý kiến cho rằng nhiều người đã quá săm soi nhân vật này. Những ý kiến này khẳng định nếu đây là video dành cho trẻ em, người lớn không nên quá áp đặt bởi với một số người như vậy là không hấp dẫn nhưng trẻ em lại rất thích. Ngoài ra, nội dung của các video không phản cảm, ngoại trừ video mới đây.
Trên các video khác cùng kênh, các bình luận thường có xu hướng hưởng ứng, bày tỏ sự yêu thích với nội dung. Các bình luận chê bai, thậm chí chửi bới chỉ xuất hiện ở video chứa tiếng rên rỉ.
Kênh YouTube Thơ Nguyễn khá nổi tiếng ở Việt Nam. YouTuber này từng nhận nút vàng của YouTube với 1,4 triệu lượt đăng ký theo dõi, chuyên sản xuất những video đánh giá các loại đồ chơi Nhật Bản, hướng dẫn trẻ em chơi trò chơi, nấu ăn, học tập. Mỗi video của kênh này đều có cả triệu lượt xem.
Theo thống kê, kênh video này thành lập từ tháng 3/2016, đã có hơn 640 triệu lượt xem với thu nhập tối đa một tháng có thể đạt 328.000 USD.
Kênh YouTube chứa đoạn video trên đang có thông số phát triển khá tốt, thống kê từ SocialBlade. |
Hiện tượng những nội dung kém lành mạnh được gán mác dành cho trẻ em xuất hiện trên YouTube không phải mới tại Việt Nam. Hồi đầu năm nay, kênh YouTube Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life bị phạt 30 triệu đồng vì đăng các đoạn video có nội dung trái với thuần phong mỹ tục cho trẻ em. Cùng với đó, đơn vị cung cấp network cũng bị phạt 20 triệu đồng.
Kênh YouTube chứa đoạn video "rên rỉ" trên thuộc network của BroadbandTV, đơn vị đến từ Canada. Do đó, việc kiểm tra, xử phạt có thể sẽ khó khăn hơn so với trước đây.
Theo Zing
Ý kiến bạn đọc