(VnMedia) - Là một trong những vương tộc lâu đời và danh tiếng bậc nhất trên thế giới, những câu chuyện về Hoàng gia Anh luôn là đề tài hấp dẫn đối với giới nghệ thuật. Cuộc sống đằng sau bức màn vương quyền cùng những mối quan hệ hoàng tộc chính là nguồn cảm hứng bất tận cho sự ra đời của loạt tác phẩm đỉnh cao như: The Queen (2006), Mrs. Brown (1997), The Young Victoria (2009), The King’s Speech (2010), Diana (2013)… và mới đây nhất là Victoria & Abdul: Nữ Hoàng & Tri Kỷ (Tựa gốc: Victoria & Abdul).
Vì lẽ đó, dự án đã đón nhận nhiều sự chờ đợi ngay từ khi công bố bởi truyện phim dựa trên một câu chuyện có thật về cuộc đời của Nữ hoàng Victoria và người bạn tri kỷ Abdul. Điều thú vị là trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm, giai thoại này đã từng bị chôn vùi bởi chính Hoàng gia Anh và mới chỉ được công bố cách đây không lâu.
Là một trong những nghi thức quan trọng bậc nhất của Hoàng gia Anh, lễ kỷ niệm Nữ hoàng Victoria tại vị 50 năm trên ngai vàng đã tổ chức bằng một bữa tiệc xa hoa, lộng lẫy. Nhưng trong tất cả chuỗi sự kiện ngày hôm đó, cuộc gặp gỡ với Abdul mới thật sự là khoảnh khắc đáng nhớ nhất với bà. Người thanh niên này đã đến như một "món quà” từ phương Đông xa xôi huyền bí. Và cũng từ đây, Abdul đã trở thành thầy giáo, chuyên gia tư vấn, thậm chí là bạn tâm giao của người phụ nữ quyền lực nhất Vương quốc Anh thời bấy giờ.
Ấn tượng của Victoria về Karim đã được ghi lại trong nhật ký rằng anh là chàng trai "cao to với vẻ mặt nghiêm túc”. Với mong muốn hiểu biết hơn về con người và đất nước Ấn Độ, Nữ hoàng Victoria đã yêu cầu Karim dạy tiếng Hindustani cho bà. Bài học đầu tiên của họ khá thoải mái: "Học một vài từ của Hindustani để nói chuyện với tôi tớ". Trong một nỗ lực để cải thiện giao tiếp giữa Nữ hoàng và cận thần của mình, bà đã tăng gấp đôi thời gian để Abdul học tiếng Anh. Chỉ trong vòng hai tháng, anh và Nữ hoàng đã có thể viết thư cho nhau một cách trực tiếp. Sau đó một năm, bà đã ban cho anh danh hiệu Munshi (thầy giáo) và trở thành thư ký chính thức của bà tại Ấn Độ.
Trong thời gian dạy học cho Nữ hoàng, Abdul đã có dịp phục vụ bà món cà ri gà mà anh cất công sử dụng nguyên liệu và chế biến theo đúng công thức của quê hương. Theo nhà văn tiểu sử A. N. Wilson, kể từ đó Nữ hoàng đã tuyên bố món ăn quá tuyệt vời này sẽ được bổ sung vào thực đơn hằng ngày của bà.
Abdul cũng chính là người đã giới thiệu với Nữ hoàng quả xoài – một loại trái cây phổ biến ở Ấn Độ nhưng lại xa lạ hoàn toàn với xứ sở sương mù. Chính vì khiếu tò mò mà bà đã cử người trực tiếp mang một quả xoài từ Ấn Độ tới cung điện cho bà. Về sau, cây xoài trở thành biểu tượng tình yêu ở Ấn Độ.
Một sự thật khác nữa là cuộc đời của Nữ hoàng đã từng có một người hầu thân cận đến từ Scotland trước đó là John Brown, người từng được xem như là nguồn động lực tinh thần rất lớn đối với bà. Tuy nhiên sau cái chết của Brown, Abdul chính là người bạn thân đến suốt cuộc đời còn lại của Nữ hoàng. Đến mức Abdul đã được Nữ hoàng ưu đãi mọi điều tốt đẹp như cho mời vợ của anh đến sinh sống tại Anh.
Tác giả cuốn sách 'Victoria & Abdul: The True Story of the Queen’s Closest Confidant' - Shrabani Basu đã có một phát hiện quan trọng khi bà đến thăm tư dinh của Nữ hoàng tại Isle of Wight. Căn phòng tiếp đón của ngôi nhà này được bày biện với rất nhiều món đồ có xuất xứ từ Ấn Độ. Basu đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên vì tuy Ấn Độ là thuộc địa của Anh nhưng trong thực tế, Nữ hoàng Victoria chưa từng đặt chân tới đó. Và nhờ vào những tò mò này, một phần của lịch sử Anh quốc được hé lộ từ cơ duyên này của nhà văn.
Có thể nói, không ai có thể hiểu nhân vật của mình bằng chính diễn viên gạo cội Judi Dench vì bà là người đã từng hóa thân nhân vật Nữ hoàng này trong bộ phim mang về “cơn mưa” đề cử giải Oscar là Mrs. Brown (1997).
Tờ Independent UK đã đánh giá rằng: “Diễn viên gạo cội Judi Dench đã thật tuyệt vời trong suốt bộ phim và chắc chắn xứng đáng nhận được nhiều đề cử giải thưởng như vai diễn Anna Neagle trước đó hay vai Nữ hoàng Victoria lần thứ hai này. Bà thể hiện thành công một Nữ hoàng có tích cách rất kiêu ngạo và quyết liệt, nhưng mặt khác vẫn là người hài hước và dịu dàng bên trong. Bà cũng cho thấy được đằng sau một Nữ hoàng quyền lực là nỗi mệt mỏi khi phải hứng chịu nhiều tổn thương. Bất chấp tuổi tác, khả năng diễn xuất của nữ diễn viên vẫn thật xuất sắc.”
Còn Collin Parker (tác giả tiểu thuyết Good Riddance) nhìn nhận: “Về Judi Dench, bà thật sự là diễn viên hàng đầu từ trước đến nay. Khi kết hợp với Fazal, cặp đôi đã có màn nhập vai ăn ý và hoàn hảo”.
Nhận xét về Victoria & Abdul: Nữ Hoàng & Tri Kỷ, cây bút hàng đầu bình luận phim trang Newsline Films, cô Tehmina Ahmed đã viết: “Phim rất dí dỏm và nhân văn. Nó đã khai thác được đề tài phân biệt chủng tộc và phân biệt giai cấp Hãy xem phim của Dench về một Nữ hoàng cô đơn và bạn sẽ không phải thất vọng”.
Quả thật, nếu Abdul là một người bạn tri kỷ đầy trân quý của Nữ hoàng thì trong mắt vương triều anh là kẻ tội đồ, bất chính. Mối quan hệ của họ vấp phải sự phản đối gay gắt và gây ra rất nhiều sóng gió trong nội bộ hoàng tộc, đẩy Nữ hoàng vào tình cảnh phải đối đầu với chính gia đình của mình. Thực tế cuộc đời Abdul đã có một cái kết đáng buồn đó là ngay sau khi Nữ hoàng mất, những đứa con của bà đã nhanh chóng trục xuất người thầy, người bạn yêu quý của mẹ họ. Thậm chí, vua Edward VII tịch thu tất cả các lá thư từ nữ hoàng và đốt chúng ngay tại chỗ rồi chỉ thị cho Karim trở lại Ấn Độ ngay lập tức.
Tuy nhiên, sau tất cả tình bạn trong sáng của họ vẫn xứng đáng được ca ngợi và đáng ngưỡng mộ.
Bộ phim mang về niềm tự hào cho đạo diễn Stephen Frears khi được đánh giá là “chiến mã” hạng nặng tại các Liên hoan phim danh giá thế giới
Victoria & Abdul: Nữ Hoàng & Tri Kỷ khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 24/11/2018.
Ngọc Linh
Ảnh: CGV
Ý kiến bạn đọc