Nga đang khiến Mỹ - NATO "hồn bay phách lạc"

19:14, 16/10/2017
|

(VnMedia) - Đại sứ Mỹ tại NATO - bà Kay Bailey Hutchison nhận định rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga thực sự là một vấn đề rắc rối đối với khối liên minh quân sự này.

"Điều này gây lo ngại trong NATO vì những hệ thống này không tương thích với các hệ thống mà liên minh đang sử dụng”, bà Hutchison cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post được đăng trên trang web của ấn bản.

Đồng thời, bà Hutchison nhiều lần nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác then chốt của Mỹ và Washington vẫn luôn muốn thắt chặt hợp tác với Ankara.

Bà lưu ý rằng Mỹ "không muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở nên thân thiết hơn với Nga".

"Điều đó không có lợi cho lợi ích của chúng ta và cả lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ", Đại sứ Mỹ tại NATO nói thêm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết không có vấn đề trong việc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga và khả năng hợp tác sản xuất ở giai đoạn tiếp theo. Hơn thế, ông lưu ý rằng đàm phán với Nga sẽ không chỉ dừng lại ở đây và ông có kế hoạch đề cập mua S-500.

Erdogan nói với các nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng "Hệ thống phòng thủ Mỹ Patriot trên thế giới đã không còn thịnh hành.

Hiện, nhu cầu đối với hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga cao đến mức ngay cả đại diện của nhà sản xuất cũng phải tuyên bố: khả năng sản xuất các hệ thống này không phải là không giới hạn.

Theo lời Cố vấn của Tổng thống Nga, ông Vladimir Kozhin, hàng loạt các nước đang xếp hàng chờ mua hệ thống phòng không của Nga gồm các nước ở Đông Nam Á, Trung Đông và "một số nước khác" cũng đang bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống phòng không lợi hại này.

"Nó đã chứng minh sự vượt trội của mình so với những hệ thống khác, nó thực sự là hệ thống tên lửa phòng không tốt nhất trong những hệ thống phòng không đang được vận hành trên thế giới", ông Dmitry Shugaev, Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự cho hay.

Trong khi đó, chuyên gia về vũ khí, cựu Đại Tá Wolfgang Richter cho rằng, S-400 của Nga nằm trong top đầu các hệ thống tên lửa phòng không trong thị trường quốc tế.

Ông xác nhận: "Chúng chắc chắn là tốt hơn so với hệ thống Patriot của Mỹ mà Đức đang có. Và ít chi phí hơn".

Đối với Nga, những giao dịch lớn gần đây cũng rất quan trọng bởi chúng khẳng định danh tiếng của Nga với tư cách quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới.

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất - đối - không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.  
 
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
 
Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.
 
Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau, bao gồm đạn 48N6E (150km), 48N6E2 (200km), 9M96E (40km), 9M96E2 (120km) và 9M38M/9M82M (400km).
 
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
 
Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.
  
Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.
 
Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD.

Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc