(VnMedia) - Người đứng đầu Cơ quan Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga – ông Dmitry Shugaev hôm qua (30/8) cho biết, trong tương lai gần, hệ thống tên lửa Iskander của Nga sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các quốc gia khác khi Nga xuất khẩu hệ thống này.
Hiện, Cơ quan Kỹ thuật – Công nghệ Liên bang Nga đang xem xét một số hồ sơ đặt hàng của các đối tác nước ngoài trong việc cung cấp hệ thống tên lửa Iskander.
“Tôi xác nhận rằng, chúng tôi đã nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhưng hiện còn quá sớm để nói cụ thể về việc này”, ông Shugaev nói trong một cuộc họp báo.
Tên lửa Iskander được xem là một trong những vũ khí bảo bối của Nga nhằm đối phó với đối thủ phương Tây hùng mạnh do Mỹ dẫn đầu. Tên lửa Iskander được Nga sử dụng để cảnh báo Mỹ và NATO về kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở Châu Âu.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo Iskander được khởi động từ những năm 1990. Đến năm 2004, các quan chức quốc phòng Nga mới lần đầu tiên tiết lộ về loại tên lửa này. Iskander-M (còn được NATO gọi dưới cái tên SS-26 Stone) là hệ thống tên lửa đạn đạo di động tầm ngắn tân tiến của Nga, sử dụng nhiên liệu rắn, được bắt đầu trang bị trong quân đội Nga từ năm 2006.
Do yêu cầu rất cao từ lúc thiết kế nên Iskander hội tụ những công nghệ đỉnh cao của Nga và cả thế giới trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hệ thống dẫn đường, động cơ tên lửa và các biện pháp trốn tránh kẻ thù.
Iskander hiện có 2 phiên bản chính là Iskander-M (phiên bản cho quân đội Nga) và Iskander-E (phiên bản để xuất khẩu), ngoài ra còn có phiên bản mới nhất Iskander-K vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Iskander-M được trang bị 2 tên lửa hành trình một giai đoạn 9M723K1, có tầm bắn tới 400 km và có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa Iskander-M có chiều dài 7,3 m, đường kính thân 0,92 m, khối lượng phóng 3.800-4.020 kg tuỳ thuộc loại đầu đạn. Tốc độ bay cao của tên lửa cho phép nó đột phá các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Tên lửa Iskander có thể bay theo một quỹ đạo thấp dưới 50 km.
Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.
Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.
Tên lửa Iskander còn được lắp hệ thống điều khiển đặc biệt nên có thể hoạt động rất cơ động và linh hoạt. Vì thế, hệ thống phòng không của đối phương rất khó đánh chặn, thậm chí theo nhiều chuyên gia thì đây là hệ thống tên lửa "vô đối", không thể đánh chặn.
Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 – tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh). Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.
Được định danh là vũ khí tấn công cấp chiến thuật, tổ hợp tên lửa Iskander-M có thể khai hỏa vào 2 mục tiêu khác nhau trong vòng 1 phút. Đạn tên trong tổ hợp Iskander-M nặng 3,8 tấn và mang theo đầu đạn có trọng lượng 480 kg.
Điểm đặc biệt của dòng tên lửa này là khả năng bay không theo đạn đạo thông thường nên rất khó bị đánh chặn và đạn tên lửa được điều khiển trong toàn bộ quá trình bay.
Iskander-M rất hiệu quả trong việc phá hủy các công trình quân sự cố định của đối phương như: Sân bay, kho tàng, trung tâm chỉ huy. Mỗi xe phóng tên lửa Iskender-M thường mang theo 2 đạn tên lửa.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chỉ cần vài tổ hợp tên lửa Iskander cũng có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trong bất kỳ cuộc xung đột khu vực nào. Hiện nay, tổ hợp tên lửa Iskander đã được xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có các nước Trung Đông. Mỹ đang lo sợ các nước được coi là “kẻ thù bất trị” của họ sẽ có trong tay loại tên lửa tàng hình “vô đối” này.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc