(VnMedia) - Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-3 tại 3 tỉnh và điều loạt tàu chiến với hệ thống Aegis tới Thái Bình Dương sau khi Triều Tiên đưa ra lời cảnh báo về một cuộc tấn công ngằm vào lãnh thổ của Mỹ trên đảo Guam. Đó là thông tin vừa được tờ Yomiuri đưa ra hôm nay (10/8).
Theo đó, Lô tàu chiến được điều tới Thái Bình Dương gồm 4 tàu khu trục lớp Congo và 2 tàu khu trục lớp Atago được trang bị tên lửa Aegis SM-3, được thiết kế để tìm diệt tên lửa đối phương ở giai đoạn trung.
Khi được hỏi về khả năng triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa ở Kochi, Shimane và Hiroshima, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – ông Itsunori Onodera nói với cánh phóng viên rằng: “Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết và thích hợp nhất” và không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.
Phán pháo lại lời đe dọa trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Triều Tiên không nên đưa ra thêm bất cứ lời đe dọa nào đối với Mỹ và các đồng mình của Mỹ”, đồng thời cảnh báo: “Tất cả các lời đe dọa của Bình Nhưỡng sẽ chỉ được đáp trả bởi lửa và máu tang tóc mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến”.Trước đó, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa ra thông báo đầy sắc lạnh rằng, Quân đội Nhân dân Triều Tiên đang soạn thảo một kế hoạch cho một cuộc tấn công tên lửa chưa từng có nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Guam, trong đó có căn cứ không quân Andersen, nơi 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đang được triển khai.
Ngay sau đó, KCNA tiếp tục đưa ra một bản kế hoạch chi tiết, dự kiến sẽ được phê duyệt vào giữa tháng 8 này. Theo đó, Bình Nhưỡng dự kiến sẽ phóng 4 quả tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, có khả năng bay quãng đường khoảng 3400 km trên các tỉnh Shimane, Hiroshima và Kochi của Nhật Bản, và tấn công khu vực cách đảo Guam khoảng 30-40 km.
MIM-104 Patriot là tên đầy đủ của hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tầm xa được nhiều "ông lớn" về quân sự trên thế giới ưa chuộng - Patriot. Hệ thống tên lửa này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và độ cao để chống lại các tên lửa chiến thuật, tên lửa hành trình và các loại máy bay tiên tiến khác.
Tầm bắn của Patriot nằm trong khoảng từ 70 - 160 km, trần bắn cao nhất lên đến 24km và có thể hạ gục các mục tiêu di chuyển với tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), tương đương gần 6.200 km/h.
Sở hữu hệ thống radar theo dõi giai đoạn để đánh chặn mục tiêu có hiệu suất cao cùng với những tên lửa thông minh, Patriot có khả năng cùng một lúc bắt và nhận biết hơn 100 mục tiêu khác nhau, liên tục theo sát được tối đa 8 mục tiêu.
Patriot sử dụng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau như Standard, ASOJ/SOJC, PAC-2, PAC-2 GEM, GEM/C, GEM/T và PAC-3. Các tên lửa này được phóng đi và thu thập thông tin của mục tiêu gửi về trạm radar mặt đất. Từ đó các sĩ quan điều khiển sẽ tính toán và vạch hướng tấn công gửi trở lại cho các tên lửa thực hiện.
Những thế hệ tên lửa dẫn đường của Patriot đã được cải tiến rất nhiều từ khi ra đời với những mục đích sử dụng cũng được thay thế. Thế hệ mới nhất của các tên lửa dẫn đường là PAC-3, với nhiều cải tiến về kĩ thuật cũng như hình dáng để đối phó với các tên lửa chiến thuật và máy bay ngày càng hiện đại, tinh vi hơn.
Cha đẻ của Patriot là các Cty Raytheon, Lockheed Martin và Fire Control có trụ sở tại Massachusetts và Florida, Mỹ. Hiện nay hệ thống tên lửa hiện đại này không chỉ được sử dụng trong Không quân Mỹ mà còn một số nước đồng minh khác như Ai Cập, Đức, Hy Lạp, Israel, Nhật Bản, Hà Lan, Arab Saudi...
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc