(VnMedia) - Trong cuộc gặp gỡ dự kiến trong tháng 3 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ đàm phán chính thức về khả năng cung cấp cho Ankara các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumph. Đó là thông tin vừa được hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời cố vấn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ilnur Cevik đưa ra hôm qua (1/3).
“Trong cuộc gặp gỡ, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về các vấn đề kinh tế ưu tiên hiện nay như: Hợp tác thương mại, xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới… Đặc biệt, hai bên sẽ chính thức thảo luận về khả năng cung cấp tổ hợp tên lửa S-400 và các điều khoản kèm theo”, ông I. Cevik cho biết.
Trước đó, hồi tháng 11/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik đã lần đầu tiên công khai mong muốn sở hữu tổ hợp tên lửa S-400 hiện đại từ Nga. Như vậy, nếu mua được S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia nước ngoài thứ 3 sở hữu được hệ thống tên lửa phòng không tối tân nhất thế giới này sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Moscow và Ankara bắt đầu tái lập quan hệ vào cuối tháng Sáu đầu tháng Bảy năm ngoái, sau khi điện Kremlin chấp nhận lời xin lỗi của ông Erdogan về sự kiện máy bay chiến đấu Su-24 của Nga bị phi công Thổ bắn hạ và trước khi xảy ra cuộc đảo chính.
Trong vòng một vài ngày sau khi thư xin lỗi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được gửi tới điện Kremlin, các quan chức của cả hai nước đã bắt đầu đàm phán về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt mà Nga đã sử dụng chống lại Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi xảy ra vụ việc vừa nêu.
Trong khi đó, tình hình quan hệ đồng minh với Mỹ và phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay có rất nhiều vấn đề rạn nứt. Trong khi Liên minh Châu Âu vẫn tỏ ra miễn cưỡng với việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối, thì Mỹ - một đồng minh NATO lâu năm của Ankara – vẫn kiên quyết chối từ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu của cuộc đảo chính quân sự gần đây.
Trong hoàn cảnh đó, Ankara được cho là sẽ ngày càng ngả về phía Nga nhiều hơn, như một giải pháp để cân bằng vị thế trên cán cân quyền lực đối ngoại.
Bởi vậy, giới chuyên gia quân sự nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn sở hữu S-400 ngoài những yếu tố về đặc điểm kỹ-chiến thuật đáp ứng mọi mong muốn của Ankara, còn là mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn với Nga, nhất là trong lĩnh vực quân sự-quốc phòng.
Theo nhận định của tạp chí tin tức Thụy Sỹ L’Hebdo, các quốc gia phương Tây – vốn đã “ớn lạnh” vì cuộc thanh trừng mạnh tay và có quy mô lớn chưa từng có ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính – càng có thêm lý do để lo ngại trước sự phát triển quan hệ của Nga – Thổ.
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất - đối - không tầm trung đến tầm xa, có thể tham gia tấn công hiệu quả tất cả các mục tiêu ở trên không trong tương lai. Loại tên lửa tối tân này do Tập đoàn NPO Almaz-Antey thiết kế và phát triển. Nó được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự và dân sự khỏi sự tấn công của máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. S-400 Triumf được đánh giá là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất thế giới.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 30km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay do thám, máy bay chiến lược và chiến thuật có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.
Thông thường, một tiểu đoàn S-400 thường biên chế: xe radar trinh sát, xe đài điều khiển hỏa lực và 8-12 xe mang bệ phóng tên lửa.
Mỗi xe mang bệ phóng mang theo 4 quả đạn tên lửa đặt trong ống bảo quản (thời hạn tới 15 năm). S-400 thiết kế để phóng nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau, bao gồm đạn 48N6E (150km), 48N6E2 (200km), 9M96E (40km), 9M96E2 (120km) và 9M38M/9M82M (400km).
Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Ngoài ra, S-400 cũng nổi trội ở khả năng cơ động. Đây là một hệ thống phòng không toàn diện có thể được thiết lập ngay trên mặt đất, ở bất cứ đâu chỉ trong vòng vài phút.
Mỗi hệ thống S-400 đều có một số thiết bị trọng yếu. Ngoài bệ phóng còn có một trạm chỉ huy và 2 radar. Trong đó, một radar giám sát bầu trời, tìm kiếm mục tiêu. Sau khi mục tiêu rơi vào tầm ngắm, chiếc radar thứ hai sẽ bắt đầu bám theo hành trình của nó. Lúc này, bộ phận chỉ huy sẽ xin lệnh có loại bỏ mục tiêu hay không.
Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc