(VnMedia) - Trước mỗi kỳ SEA Games, nước chủ nhà đăng cai thường tìm mọi cách để đoạt càng nhiều huy chương càng tốt, bất chấp sự phản đối, chê cười của các nước tham dự. “Trò hề” bốc thăm mới đây của Malaysia là một ví dụ.
Chủ nhà SEA Games 29 “giở trò”
Hôm 24/6 vừa qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ngỡ ngàng khi nhận được thông báo sẽ có thay đổi trong lễ bốc thăm chia bảng đấu môn bóng đá nam tại SEA Games 29 diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia.
Nước chủ nhà Malaysia tự cho mình quyền đứng ngoài “tọa sơn quan hổ đấu” trước khi lựa chọn bảng đấu theo ý thích! Cụ thể môn bóng đá nam sẽ chia làm 2 bảng với 2 “hạt giống” ở mỗi bảng là nhà vô địch SEA Games 28 Thái Lan và á quân Myanmar.
8 đội còn lại (trừ Malaysia) bốc thăm chia vào hai bảng. Malaysia sẽ tự chọn bảng đấu mà không dự bốc thăm. Với cách tính toán này, Malaysia sẽ tránh được "bảng tử thần" và có thể chọn luôn bảng đấu có 5 đội với số trận thi đấu ít hơn (4 trận).
Dù đã lường trước sẽ “có biến” ở mỗi kỳ SEA Games nhưng rõ ràng VFF cũng phải bó tay với kiểu bốc thăm chưa từng có trong lịch sử các giải đấu bóng đá. Ngày 28/6, phó chủ tịch Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã điện đàm với Hoàng thân Imran - chủ tịch Ủy ban Olympic Malaysia - để phản đối về cách bốc thăm thiếu khách quan này. Phía Malaysia hứa xem xét và điều chỉnh.
Trước đó, khi được hỏi về “luật chơi mới” do Malaysia đề ra, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á – AFF - Ahmad Azzuddin cũng xác nhận “luật này đúng là chưa từng có nhưng AFF không thể can thiệp” và gợi ý các đoàn nên đưa vấn đề này lên Hội đồng Olympic!
Trò lố cười ra nước mắt ở các kỳ SEA Games…..
Bên cạnh những môn thể thao cơ bản thuộc hệ thống Olympic như bắn súng, bơi lội, thể dục dụng cụ, đấu kiếm…. nước chủ nhà các kỳ SEA Games thường tự đưa thêm vào một số môn sở trường của mình, miễn là “rủ rê” được 3 nước tham dự cho đúng luật.
Phần vì nể nang, phần vì cách nghĩ “lần sau còn tới lượt mình đăng cai”, không ít quốc gia chấp thuận dù họ thậm chí còn chẳng biết môn thể thao đó là gì, luật chơi ra sao!
Điển hình là tại SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia. Nước chủ nhà đưa vào một số bộ môn khiến nhiều người ngỡ ngàng như Đánh bài Bridge, Cờ tưởng, dù lượn….
Đánh bài không xa lạ gì với người Việt nhưng liệu môn thi đấu này có đảm bảo các tiêu chí của một môn thể thao đơn thuần như mọi người thường thấy, hay đơn giản chỉ là trò may rủi? Ban đầu đoàn Việt Nam nhận lời tham dự nhưng sau đó đã từ chối vì sợ phản cảm.
Còn môn Cờ tưởng thì ngay cả kỳ thủ hàng đầu Việt Nam Lê Quang Liêm cũng ngỡ ngàng. Đây là môn cờ người chơi phải bịt mắt, quay lưng lại bàn cờ. Đi nước nào tự ghi ra giấy và chuyền cho người đi hộ là khán giả, trọng tài!
Tham gia những môn thể thao kiểu như vậy đồng nghĩa với việc các nước chỉ góp phần giúp chủ nhà SEA Games có thêm huy chương Vàng!
Đó là trước khi SEA Games bắt đầu, còn khi bước vào tranh tài vô số chuyện bi hài liên tục xảy ra. VĐV nước chủ nhà liên tục tìm cách gian lận với sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng trọng tài, thậm chí còn có trường hợp “xin” huy chương Vàng như ở SEA Games 24 năm 2007 diễn ra tại Thái Lan.
Chuyện không thể ngờ này diễn ra ở trận tranh huy chương Vàng giữa đô vật Lê Duy Hợi với VĐV chủ nhà Thái Lan Kwannai Surachet ở hạng 74kg. Trước trận, ban tổ chức đã cử người gặp riêng đội vật của Việt Nam để “xin” huy chương Vàng vì biết trước không thể thắng.
Đội vật Việt Nam đã thẳng thừng từ chối nhưng bị đe dọa dù không nhường cũng không thể đoạt huy chương Vàng. Kết quả đúng như vậy, Duy Hợi liên tục bị xử ép dẫn tới thua trận. Đoàn Việt Nam đã khiếu nại đòi “mổ băng” trận đấu. Chủ tịch Liên đoàn vật châu Á và Ban tổ chức cuối cùng đã thừa nhận sai lầm nhưng khuyên đoàn Việt Nam nên chấp nhận kết quả vì “sự thành công của kỳ SEA Games”!!!
Còn vô vàn những sự cố chẳng kém bi hài như việc bắn súng Việt Nam đoạt huy chương Vàng tại SEA Games 18 nhưng trong lúc hân hoan đã không để ý tới việc trọng tài lén thay bia đạn, xóa dấu vết và chỉ công nhận huy chương Bạc. Sự cố đổi trắng thay đen này đã khiến 2 nữ xạ thủ Đặng Thị Đông và Ngô Ngân Hà khóc sưng mắt.
Người hâm mộ cũng chưa thể quên được hình ảnh VĐV đi bộ Thanh Phúc mặt mũi thất thần dù phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 20km nhưng vẫn chỉ về nhì, do VĐV chủ nhà Myanmar vừa đi, vừa chạy vẫn đoạt huy chương Vàng!
… và những tấm huy chương “vô giá”
Chúng ta không lạ gì việc các nước chủ nhà mỗi kỳ SEA Games thường tận thu huy chương Vàng bằng mọi giá, kể cả phải dùng tới những chiêu trò bị lên án. Để rồi khi Đại hội kết thúc lại hồ hởi tuyên bố đoạt hàng chục, hàng trăm huy chương, đạt thành tích đề ra….
Tất cả đều xuất phát từ “căn bệnh” thành tích mà bỏ qua ý nghĩa tốt đẹp của SEA Games, ngày hội thể thao của khu vực vốn là nơi giao lưu, thắt chặt mối quan hệ đồng thời giúp VĐV có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ để chuẩn bị cho những đấu trường quốc tế như Olympic.
Những tấm huy chương đoạt được thông qua gian lận, tiểu xảo sẽ là “vô giá trị” vì chúng không hề phản ánh đúng trình độ của VĐV, đi ngược lại với tinh thần của Đại hội. 2 yếu tố này mới là quan trọng chứ không phải là số lượng hay huy chương “màu gì”.
Cũng bởi vậy SEA Games giờ đang đang mang tiếng xấu, bị coi là “ao làng”. Ngay cả các quốc gia trong khu vực cũng không còn mặn mà tham dự hay cạnh tranh để đăng cai như bất cứ một giải đấu tầm cỡ châu lục hay thế giới.
Một kỳ SEA Games nữa lại đến gần. Chủ nhà Malaysia đã “chào sân” bằng màn bốc thăm lạ đời và không ai biết có còn chuyện kỳ lạ gì diễn ra nữa không?
Minh Quang
Ý kiến bạn đọc