Trận đại chiến "Tuấn Anh vs Công Phượng" đã diễn ra theo kịch bản không thể ngờ với tất cả người hâm mộ Việt Nam.
"Cú lừa" ngoạn mục
Tuấn Anh ngồi ngoài suốt trận, Công Phượng đá 8 phút vào không chạm nổi bóng. Đó là những gì đã xảy ra tại cuộc "đại chiến" mà người hâm mộ Việt Nam chờ suốt nhiều ngày qua. Tất cả bỗng trở thành một màn hài kịch dở khóc dở cười.
Công Phượng lại nhạt nhòa trong lần ra sân ở Nhật |
Trước đó, trận đấu này đã được chuẩn bị rất kỹ càng. Mito Hollyhock thậm chí còn đổi màu áo từ xanh sang đỏ theo màu của ĐT Việt Nam và thêu cờ 2 nước Việt - Nhật để kỷ niệm. Một số tờ báo Nhật đã ví Tuấn Anh và Công Phượng như Pirlo và Messi của Việt Nam. Fanpage của J-League cũng liên tục quảng bá mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, trận đấu giữa Mito Hollyhock và Yokohama FC được mua bản quyền để phát sóng trên truyền hình. Một số địa điểm gọi đây là "Derby Việt Nam" và tổ chức chiếu cuộc đọ sức này trên màn hình lớn nhằm thu hút các fan.
Riêng Tuấn Anh rất háo hức: "Tôi và Phượng tập luyện với nhau từ nhỏ, tôi hy vọng cả hai đều được thi đấu chính thức hôm nay".
Hoành tráng như vậy, nên dễ hiểu sao các fan Việt Nam lại vô cùng bức xúc khi 2 cầu thủ yêu mến gần như bị gạt khỏi trận đấu. Nhiều người cảm giác như bị lừa một vố đau.
Ai là "thủ phạm"?
Không thể trách Tuấn Anh, Công Phượng. Họ là những cầu thủ chuyên nghiệp và chắc chắn muốn ra sân hơn ai hết. Chỉ có điều, quyết định của đội bóng là trên hết và cả 2 đều phải phục tùng.
Công Phượng và Tuấn Anh chưa có chỗ đứng tại CLB của mình |
Công Phượng được xuất hiện nhiều hơn. Nhưng ra sân kiểu này thà rằng "mất hình" như Tuấn Anh còn đỡ buồn hơn. 8 phút thi đấu, Phượng hoàn toàn lạc lõng, bóng không đến chân, tranh chấp thì thua thiệt. Vậy lỗi nằm ở Mito Hollyhock và Yokohama FC chăng?
BHL 2 đội bị một số fan quy là "thủ phạm". Nhưng trong bóng đá, đặc biệt là bóng đá chuyên nghiệp không có khái niệm "tình cảm". 2 HLV cũng đều là người làm công ăn lương, mang những mục tiêu riêng, tất nhiên họ chẳng thể mạo hiểm với chiếc ghế của mình.
Cho dù cầu thủ có được yêu thích, chờ đợi thế nào song nếu không phù hợp chiến thuật hoặc chưa đủ điều kiện ra sân, HLV để anh ta ngồi ngoài là rất bình thường. Huống hồ tại Nhật, bộ đôi cầu thủ của Việt Nam còn chẳng có "số má" gì.
Bạn cũng có thể trách những nhà tổ chức trận đấu đã "lăng-xê" hơi quá tay. Song thật khó tránh khi cơ hội quảng bá lớn như vậy xuất hiện trước mắt. Bản thân người Nhật cũng từng đau khổ khi chứng kiến nhiều cầu thủ con cưng lạc lối tại trời Âu.
Ví dụ như Ryo Miyaichi. Cầu thủ này sang Arsenal năm 18 tuổi và được đích thân Wenger khen ngợi. Nhưng sau giai đoạn "trăng mật", anh lập tức bị đem đi cho mượn. Tiếng là cầu thủ Arsenal nhưng sau 4 mùa giải, Miyaichi chỉ 1 lần ra sân cho Pháo thủ tại Premier League.
Chỉ khi nào Công Phượng, Tuấn Anh thực sự đủ sức chinh chiến tại J-League 2, cảnh ngộ "bị lừa" của CĐV Việt Nam mới kết thúc.
(Theo Tri thức trẻ)
Ý kiến bạn đọc