Sinh viên phát hiện hoá thạch khủng long 65 triệu năm

11:52, 28/07/2019
|

Harrison Duran, sinh viên ngành Sinh học tại Đại học (ĐH) California, Mỹ, vừa khai quật được đầu của loài khủng long Triceratops có niên đại 65 triệu năm.

Michael Kjelland bên cạnh hoá thạch Alice. Ảnh: CNN.
Michael Kjelland bên cạnh hoá thạch Alice. Ảnh: CNN.

Đam mê khủng long từ bé, Harrison Duran bất ngờ khai quật được hoá thạch của loài động vật này trong một chuyến khảo cổ sinh vật học tại vùng đất chết thuộc bang North Dakota, Mỹ.

Đây là khu vực chứa rất nhiều hoá thạch cổ đại có từ thời Cretaceous 65-70 triệu năm trước. Nhà cổ sinh vật học Mỹ Barnum Brown - người phát hiện hoá thạch khủng long bạo chúa T-Rex - đã tìm ra những hoá thạch đầu tiên ở đây năm 1902.

Đồng hành cùng Duran trong chuyến đi 2 tuần tới mảnh đất "vàng" này là Michael Kjelland - một nhà khai quật, giáo sư ĐH Quốc gia Mayville, North Dakota. Hai người gặp nhau tại hội thảo và nhanh chóng trở thành bạn bè, sau đó có chung đam mê khủng long. Kjelland đã đến nhiều vùng đất chết nhưng North Dakota là lần đầu.

Họ bắt đầu chuyến đi ngày 1/6. Sau 4 ngày, Duran phát hiện hoá thạch. Đầu khủng long nằm đảo ngược với một phần gốc sừng trái lộ ra, được bao phủ xung quanh bởi hoá thạch thực vật cũng có từ thời Cretaceous.

"Việc tìm thấy hoá thạch gỗ và lá cây bên cạnh, cũng như dưới đầu khủng long sẽ cung cấp nhiều thông tin về môi trường sống lúc bấy giờ", Duran nói với CNN.

Duran và Kjelland gọi con khủng long được tìm thấy theo tên của chủ sở hữu mảnh đất - Alice. Quá trình đưa Alice ra khỏi vùng đất khai quật kéo dài 1 tuần. Khung xương đầu mỏng manh của Alice được cố định bằng loại keo chuyên dụng để làm cứng những phần xương bị gãy hoặc khoáng hoá. Sau đó, một chất được dùng để liên kết cấu trúc hộp sọ.

Khi lên mặt đất, hoá thạch được phủ giấy bạc và thạch cao, đặt trong một cái hộp và bọc lại bằng nệm xốp. Nó được chuyển đến phòng thí nghiệm để phục vụ việc nghiên cứu.

Duran và Kjelland quyết định thành lập công ty phi lợi nhuận Fossil Excavators để khám phá, bảo tồn và giáo dục về các loại hoá thạch. Họ đang tiến hành nghiên cứu Alice và chuẩn bị cho việc trưng bày nó. Cả hai muốn dùng nó như một công cụ giáo dục hiệu quả.

"Đây là dịp hiếm có, vì vậy sẽ thật tuyệt nếu Alice được trưng bày tại khuôn viên của trường", Duran nói.

Theo CNN, Kjelland hy vọng có thêm nhiều hoá thạch được khai quật xung quanh vị trí của Alice. Tuy nhiên, anh không tiết lộ địa điểm chính xác nơi Alice được tìm thấy vì có nhiều trường hợp xương khủng long bị đánh cắp trước đó.

(theo Zing)


Ý kiến bạn đọc