(VnMedia) - Năm học mới 2015-2016 là năm đầu tiên bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với một số điểm mới.
Ảnh minh họa.
Năm học trước với phí đóng là 3% mức lương cơ sở, khoản tiền mua BHYT trong 12 tháng của mỗi học sinh, sinh viên là 289.800 đồng. Tuy nhiên, theo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi bổ sung một số điều thì năm học 2015-2016 phí đóng BHYT là của nhóm đối tượng trên sẽ tăng lên 4,5% so với lương cơ sở. Học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% phí mua bảo hiểm, 70% còn lại phải tự chi trả nên mức đóng trong 12 tháng sẽ là 434.700 đồng.
Giải thích về việc tăng mức thu đối với BHYT học sinh, sinh viên, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết, theo quy định, thu BHYT từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm đó. Tuy nhiên, do thẻ BHYT của học sinh, sinh viên năm 2014-2015 có thời hạn vào ngày 30/9/2015, nên các trường đều thông báo mức đóng BHYT mới (15 tháng). Do đó, số tiền, học sinh, sinh viên phải đóng là 543.375 đồng.
Lý giải cho việc tăng thêm, 1,5% phí mua BHYT so với lương cơ sở, đại diện Bộ Y tế cho rằng, học sinh sinh viên vẫn được bảo hiểm y tế chi trả 80% và đồng chi trả 20% chi phí khi đi khám, chữa bệnh. Nâng mức đóng BHYT là tiền đề cho việc tăng chất lượng khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, BHYT cũng đề ra phương án năm nay đóng 3 tháng một đợt, còn năm sau chia làm hai đợt, mỗi đợt đóng 6 tháng. Nếu đóng BHYT theo phương án này vẫn đúng luật, tạo điều kiện cho các gia đình.
Bên cạnh đó, nếu gia đình có điều kiện có thể đóng cùng một lúc 15 tháng. Theo đó, tùy từng điều kiện của từng gia đình, nhà trường có thể thu khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, cho biết BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc đối với toàn dân, bao gồm học sinh, sinh viên. Để đạt được mục tiêu 100% học sinh - sinh viên tham gia, Bộ Giáo dục- Đào tạo yêu cầu các cơ sở phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội của địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh- sinh viên tham gia và cấp thẻ BHYT theo đúng quy định.
Để đảm bảo việc đóng BHYT không là gánh nặng với các học sinh - sinh viên vùng khó khăn, Bộ cũng đề nghị các Sở GD tham mưu đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh - sinh viên từ ngân sách của địa phương.
Ý kiến bạn đọc