(VnMedia) - Thời tiết giao mùa cũng là lúc trẻ nhỏ, đặc biệt là bé sơ sinh rất dễ bị sổ mũi, viêm mũi, mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng, viêm tai giữa.... Việc rửa mũi đúng cách sẽ ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp cho trẻ.
Ảnh minh họa |
Việc sử dụng nước muối để rửa mũi đã phổ biến từ lâu ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam đối với người lớn và trẻ em trong việc làm sạch mũi, loại bỏ bụi bẩn ô nhiễm...
Tuy nhiên, trên thực tế chưa có những dữ liệu thuyết phục khẳng định lợi ích của việc sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi. Do đó, việc sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mũi hợp lý, cần tránh lạm dụng và bị quảng cáo quá mức là cần thiết để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cũng như chi phí khám chữa bệnh của gia đình.
Dược sĩ Nguyễn Như Hiền, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, việc vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày có thể giúp rửa trôi vi khuẩn, loại bỏ chất tiết, dị vật, giúp mũi bé thông thoáng, giúp bé dễ thở hơn.
Khi mũi bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc bị tổn thương, các lớp dịch tiết ứ đọng, lúc này cần làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý trước khi nhỏ thuốc cho bé để thuốc phát huy được hiệu quả.
Tuy nhiên nếu bé không ốm bệnh, việc lạm dụng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé sẽ làm hư hại lớp niêm mạc mũi dễ gây nên tình trạng viêm nhiễm. Lúc này chỉ cần nhỏ rửa mũi cho bé 1 lần/ tuần hoặc chỉ dùng sau khi đưa bé đến những nơi có nhiều bụi bặm.
Rửa mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý (nồng độ muối 0.9%), hiện nay trên thị trường thường có hai dạng là dung dịch nước muối sinh lý nhỏ mũi và một loại làm từ nước biển sâu.
Đối với trẻ nhỏ, nên sử dụng các loại nước nhỏ mũi không bơm áp suất, nhỏ từ 2-3 giọt, trẻ lớn hơn từ 4-5 giọt, dùng dụng cụ hút mũi thích hợp hút mũi cho bé, chú ý tránh dùng các vật nhọn làm trầy xướt mũi.
Trẻ lớn có thể dùng loại có bơm áp suất và cho bé tự xì mũi. Tránh dùng có loại bình xịt áp suất cao với trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xương mũi bé cũng như rất dễ gây tình trạng sặc nước muối vì các khoang trong miệng trẻ được thông với nhau làm trẻ sợ hãi, quấy khóc.
Không nên sử dụng các loại nước muối tự pha nếu không có hướng dẫn thích hợp. Khi tự pha cần đảm bảo nồng độ nước muối là 0,9% tức khoảng 9g muối tinh khiết cho 1 lít nước. Chú ý nguồn nước cần sạch và tinh khiết.
Đã có một số báo cáo về một số trường hợp tự pha nước muối nhỏ mũi trên thế giới bị nhiễm amip “ăn não người” Naegleria fowleri, một loài sinh vật đơn bào có thể chui vào mũi, lên não gây nên tình trạng viêm nhiễm và hoại tử não.
Các chuyên gia y tế ở Mỹ khuyến cáo nước đem pha là nước vô trùng hoặc nước cất mua trong các cửa hàng, hoặc nước máy đun sôi ít nhất 3 phút để nguội, cũng có thể dùng nước đã qua một bộ lọc với kích thước lỗ lọc không quá 0,001 mm.
.
Cần biết nồng độ muối trong nước muối sinh lý, các ion trong nước muối “biển sâu” không đủ hoặc không có khả năng diệt vi khuẩn mà trong trường hợp cần thiết cần dùng thuốc diệt khuẩn chuyên biệt. Do đó khi trẻ vị viêm nhiễm đường hô hấp cần sự tư vấn của bác sĩ để điều trị thích hợp chứ không thể chỉ dùng nước muối sinh lý để tự chữa trị.
Lưu ý khi rửa mũi cho trẻ:
- Rửa tay thật sạch với xà phòng trước khi tiến hành rửa mũi cho trẻ.
- Kiểm tra đầu lọ nước muối sinh lý, đảm bảo không có bất cứ gờ, cạnh sắc nào có thể gây tổn thương mũi bé.
- Không xịt nước muối quá mạnh tay, không nên sử dụng xi lanh để rửa mũi vì có thể gây áp lực lớn lên niêm mạc mũi.
- Với những lần rửa mũi đầu, bé có thể không hợp tác nên giãy giụa rất nhiều, mẹ không nên mất bình tĩnh và cố gắng làm đúng theo hướng dẫn để tránh việc bé bị sặc hay xước mũi.
- Rửa mũi khi bé trước khi ăn và lúc bé còn đang thức.
- Không lạm dụng xịt quá nhiều lần (chỉ nên rửa 2 - 5 lần/ngày), nhất là khi bé có dấu hiệu viêm mũi vì sẽ khiến mũi con khô hơn, rát vì niêm mạc mũi tổn thương và mất đi độ ẩm.
Ý kiến bạn đọc