Mẹo đơn giản để tránh bị muỗi đốt

08:29, 10/09/2015
|

(VnMedia) - Bệnh sốt huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.

Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa.

Tính đến nay, sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 38 tỉnh, thành trên cả nước. Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết có thể bùng phát trong thời gian tới, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Khu vực này đã ghi nhận 16 trường hợp tử vong.

Riêng tại Hà Nội đã có 29/30 quận, huyện bùng phát dịch sốt xuất huyết. Ngày 9/9, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 6/9, toàn thành phố đã ghi nhận 1.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2014) với 51 ổ dịch đang hoạt động. Theo thống kê, 55% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung ở các khu trọ. Dự báo trong 4 tháng cuối năm 2015, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên toàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc có thể tăng cao.

Người dân lưu ý các triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết như:

- Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày.

- Người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; Xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng.

- Đối với phụ nữ có thể rong kinh;

- Đau bụng, nôn ói…;

- Mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, đi cầu ra máu.

Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết.


  Ảnh minh họa


Ảnh minh họa.


6 biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
  
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông,bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc