Không có chuyện giáo viên phải "thu hộ" bảo hiểm

08:16, 17/09/2015
|

(VnMedia) - Không có chuyện giáo viên "thu hộ" bảo hiểm, mà đây là trách nhiệm của ngành giáo dục - ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế khẳng định.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin cho báo chí liên quan tới việc thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên tổ chức ngày 16/9, t
rước ý kiến cho rằng: “Giáo viên chủ nhiệm phải thu BHYT hộ ngành Bảo hiểm”, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế khẳng định: “Luật sửa đổi quy định Bộ Giáo dục đào tạo (GD-ĐT) có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn thực hiện với học sinh sinh viên (HSSV), hướng dẫn lập danh sách HSSV tham gia tại nhà trường theo mẫu biểu do bảo hiểm xã hội ban hành, quy định rõ việc thu đóng theo năm tài chính. Luật quy định trách nhiệm thực hiện là của toàn bộ hệ thống chính trị, coi đó là việc của chính mình”.

Ông Trần Đình Liệu – Trưởng ban thu BHYT cho biết thêm, “Luật BHYT, Nghị định 105, thông tư 41 nêu rõ trách nhiệm các đoàn thể, trong đó có nhà trường đứng ra hỗ trợ thu. Tuy nhiên một số hướng dẫn chưa được sâu rộng nên có nhiều vấn đề chưa đủ thông tin như việc giáo viên phải thu hộ bảo hiểm”.

Còn bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẳng định: "Nói giáo viên “thu hộ” là hoàn toàn sai bản chất vấn đề. Đây là chính sách an sinh xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành giáo dục, thể hiện rõ bằng nhiều văn bản, công văn chỉ đạo với sự phân công trách nhiệm rất rõ. Ngành Bảo hiểm không cần thu hộ, mà đây là trách nhiệm của ngành Giáo dục.”

Tuy nhiên, bà Minh vẫn thừa nhận rằng việc gây ra tâm lý “xáo trộn” không đáng có trong dư luận và cha mẹ HSSV có một phần trách nhiệm của BHXH. Việc giáo viên chưa nhận thức được hết trách nhiệm của mình là điều đáng buồn. Bà Minh cho rằng, bản thân thầy cô giáo cần hiểu rõ tính chất của BHYT khác so với các loại hình bảo hiểm khác. “Đáng lẽ ra ngành BHXH phải tuyên truyền sâu sắc hơn để từng giáo viên, hiệu trưởng phải hiểu sâu hơn về tính chất của quỹ BHYT cho HSSV, có lẽ sẽ không gây ra những hiểu lầm không đáng có này!”- bà Minh nói.

Chưa nộp tiền, học sinh vẫn có quyền khám BHYT

Cũng tại buổi họp báo, trả lời thắc mắc của phóng viên về việc thu BHYT học sinh, sinh viên 6 tháng/lần và tránh tập trung vào thời điểm đầu năm học thì học sinh có được cấp thẻ, khám chữa bệnh ban đầu hay không? Ông Phạm Lương Sơn khẳng định, BHXH không phân biệt những cháu đã đóng hay chưa đóng tiền BHYT. Các cháu đều được quyền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như nhau.


Ông Sơn cho hay: “Nếu tính chi ly chỉ có 10% không tham gia đóng BHYT nhưng chúng ta không thể nói em này tham gia thì được sơ cứu vết thương, em khác không tham gia thì không có quyền. Đó là quyền lợi bao phủ chung chăm sóc y tế cho các em học sinh".

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, việc chia làm 2 lần đóng bảo hiểm y tế thì người dân phải thực hiện. Tuy nhiên, Thông tư quy định là tùy khả năng, phụ huynh có thể phân kỳ ra làm 2 - 3 lần.


Ảnh minh họa 

  Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh giải đáp thắc mắc của phóng viên tại buổi họp báo ngày 16/9  


Tăng chất lượng khám chữa bệnh

Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Minh cho biết, việc tăng mức đóng BHYT học sinh, sinh viên cũng là cách để tăng chất lượng khám chữa bệnh. "Việc toàn dân tham gia BHYT chính là chỉ tiêu để phát triển kinh tế và là hành động mang tính nhân văn. Nhân văn ở chỗ nó san sẻ gánh nặng kinh tế cho những người không may mắn bị bệnh hoặc tai nạn. Vì vậy, tham gia BHXH là nhiệm vụ và quyền lợi của toàn xã hội”.

Theo bà Minh, BHYT là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Thông qua việc tham gia BHYT, học sinh, sinh viên được giáo dục nhân cách và lối sống nhân ái, chia sẻ khó khăn, đồng cảm với mọi người không may gặp rủi ro.

Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên ở mức 4,5% mức lương tối thiểu mà nhiều người phản ánh là cao, bà Minh phân tích: Nếu so mức đóng BHYT với nhiều quốc gia trong khu vực, mức thu BHYT học sinh, sinh viên của nước ta còn “khiêm tốn”. Cụ thể, hiện Australia, học sinh, sinh viên đóng BHYT 2.000 đô la Úc một năm. Trung Quốc thu BHYT bằng 11,5% thu nhập thực tế, Đài Loan thu 13% thu nhập thực tế, Thái Lan từ 6- 8% thu nhập thực tế.

Bà Minh cho biết thêm, hiện chúng ta mới chỉ thu 4,5%, tăng 50% so với thời gian trước, nhưng Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho đối tượng nghèo, cận nghèo, con em gia đình thương binh, chính sách, vùng sâu vùng xa...

Trước câu hỏi của phóng viên về việc mức đóng bảo hiểm tăng lên thì dịch vụ y tế có được nâng lên ở mức tương ứng, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, hơn ai hết, BHXH Việt Nam quan tâm đến dịch vụ y tế khi tăng mức đóng bảo hiểm, đó là đòi hỏi của ngành bảo hiểm đối với ngành y tế. Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều cải thiện về chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thái độ nhân viên y tế đối với bệnh nhân, “Chính sự thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế là lời cam kết cho việc trên”, ông Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng chỉ rõ việc thúc đẩy toàn dân tham gia Bảo hiểm y tế là trách nhiệm của các liên ngành gồm có Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính. BHXH chỉ có trách nhiệm đề ra kế hoạch và giám sát, hướng dẫn. Nhưng để thực hiện được mục tiêu thì cần có sự tham gia của các liên ngành khác. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn và thu tiền ở các cơ sở giáo dục.


Phạm Minh - (Bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc