(VnMedia) - Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến cuối tuần qua, toàn thành phố đã ghi nhận 2.118 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2014 và tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số trường hợp mắc dịch bệnh này tiếp tục gia tăng với tốc độ khá nhanh. Bởi trước đó, tính đến ngày 10/9, toàn thành phố ghi nhận 1.804 trường hợp mắc SXH.
Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống SXH năm 2015 với mục tiêu là tăng cường các hoạt động giám sát và phòng, chống dịch SXH, khống chế không để dịch bùng phát; hạn chế bệnh nhân tử vong do SXH.
Theo đó, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch; các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng và triển khai kế hoạch nhằm đáp ứng tốt nhất công tác cấp cứu, điều trị, hạn chế tối đa bệnh nhân tử vong do SXH.
Số ca SXH tăng nhanh (Ảnh minh họa) |
Cả nước có 23 người chết do sốt xuất huyết
Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 36.000 trường hợp mắc SXH tại 51 tỉnh/thành phố, trong đó có 23 trường hợp tử vong (So với cùng kỳ năm 2014, số mắc là gần 19.500 trường hợp, tử vong 20 trường hợp).
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, đã chỉ đạo các cơ sở y tế phải nhận biết, chẩn đoán sớm, chính xác bệnh SXH và phân biệt với các bệnh khác là rất quan trọng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXH do Bộ Y tế ban hành. Theo Cục trưởng, việc nâng cao năng lực khám, chữa bệnh về SXH là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi BV, tuy nhiên việc xác định mức độ, giai đoạn của bệnh để chuyển tuyến an toàn cũng không kém phần quan trọng.
Ngoài ra, Cục trưởng cũng chỉ đạo các cơ sở y tế phải củng cố và duy trì hoạt động của các “nhóm điều trị SXH” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết…
Các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông,bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Ý kiến bạn đọc