Cách xử lý khi trẻ bị chảy máu cam

08:09, 20/09/2015
|

(VnMedia) - Chảy máu cam là hiện tượng thường gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em tới người lớn. Với thời tiết hanh khô, nhiệt độ đang dần hạ thấp như hiện nay là môi trường thích hợp để chảy máu cam xuất hiện.

    Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Chảy máu cam thường xảy ra ở một bên, đôi khi cũng có thể ở cả hai bên. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ, đặc biệt gây ra cho trẻ tâm lý sợ hãi.

Dưới đây là một số việc cần xử lý ngay khi trẻ bị chảy máu cam:

- Đỡ trẻ ngồi dậy, ngồi cúi người ra phía trước. Ở tư thế này, máu mũi chảy ra ngoài có thể theo dõi được.

- Dùng ngón tay cái và ngón trỏ ép cánh mũi bên bị chảy máu. Nếu ở trường, người chăm trẻ cần đeo găng tay để phòng ngừa lây nhiễm.

- Nhẹ nhàng ấn sát mũi vào xương mặt để chèn lại mạch máu đang chảy.

- Giữ trong 5 phút, không nên thả tay giữa chừng để xem máu hết chảy chưa. Vì khi thả tay, mạch máu bị bung ra, máu chảy lại. Có thể dùng khăn quấn viên đá lạnh, túi chườm lạnh để chườm giảm đau và giúp mạch máu co nhanh hơn.

- Sau 5 phút, thả tay rất nhẹ nhàng để xem máu chảy hết chưa. Nếu thả tay nhanh, cục máu đông bung ra, máu sẽ chảy lại. Nếu máu chảy lại, ép và chườm lạnh thêm lần nữa và làm lâu hơn.

Khi máu đã ngưng chảy, cho trẻ sinh hoạt nhẹ nhàng như bình thường. Sau khi đã cầm máu, đôi khi máu đông ứ nhiều trong mũi làm cho trẻ khó chịu. Cục máu đông có thể bung lại, cần ép lại từ đầu. Nếu chảy máu mũi không cầm được, cần đưa trẻ đi cấp cứu.

Lưu ý:

- Hạn chế kêu trẻ xì mũi khi máu đã cầm, vì có thể làm bung cục máu đông. Nếu nhiều máu trong mũi, cần cho trẻ xì ra trước khi ép cánh mũi.
- Không cho trẻ ngửa đầu ra sau vì khó theo dõi được lượng máu chảy.
- Sơ cứu chảy máu mũi cho người lớn cũng làm tương tự.

Nguyên nhân gây chảy máu cam

Theo các bác sĩ, chảy máu cam có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó hai nguyên nhân chính sau:

- Chảy máu cam phát sinh từ mũi: Đây là nguyên nhân thông thường nhất. Đó có thể là chảy máu cam do mũi khô khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trong khoảng thời gian chuyển mùa. Vách ngăn giữa hai bên mũi bị lệch khiến cho không khí đi vào trong mũi không cân bằng giữa hai bên cũng là nguyên nhân làm mũi khô và dẫn tới chảy máu.

Các bệnh như cảm cúm, viêm xoang cũng khiến mũi bị tổn thương. Sơ ý bị ai đó đập trúng mũi, hoặc đi không cẩn thận bị vấp ngã cũng có thể làm tổn thương vùng mũi.

- Chảy máu cam phát sinh bên ngoài mũi: tức là những trường hợp chảy máu cam không phải do các tổn thương vùng mũi gây ra. Lúc này cần hết sức chú ý bởi có thể trẻ đã mắc một số bệnh như máu khó đông, chảy máu cam do nhiễm trùng như sốt do virus, viêm gan mãn tính, tiểu đường, suy thận, dị ứng..., và nghiêm trọng hơn có thể là bệnh ung thư máu. Do đó cha mẹ cũng không nên chủ quan khi trẻ liên tục bị chảy máu cam.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc