(VnMedia) - Thời tiết chuyển mùa, sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày nhiều, độ ẩm không khí cao, trẻ dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp, dễ bị nhiễm virus hơn... Vậy làm thế nào để phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi?
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh - Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Nhi đồng cho biết, khi thời tiết thay đổi, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khí hậu là da và đường hô hấp. Khi trời se lạnh hơn, không khí vào đường thở của bé không được sưởi ấm, trẻ dễ bị nhiễm lạnh đường hô hấp , dễ bị nhiễm virus hơn, biểu hiện bằng hắt hơi sổ mũi, ho, khò khè, nặng hơn là viêm đường hô hấp dưới. Những trẻ có tiền căn dị ứng, khi bị cảm lạnh hay nhiễm siêu vi, sẽ dễ làm khởi phát cơn suyễn.
Nguyễn Thị Thanh khuyến cáo, khi thời tiết chuyển sang lạnh, phụ huynh nên lưu ý:
- Giữ ấm cho trẻ, đi tất, đội mũ khi ra ngoài. Trong phòng giữ ấm và thoáng cho trẻ.
- Uống nước nhiều, giúp da và đường hô hấp luôn ẩm.
- Bú sữa mẹ nhiều nếu được, và ăn dặm đúng cách, nhằm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất và vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ, trong đó có hệ miễn dịch của cơ thể.
- Tiêm phòng đầy đủ.
- Khi da bé hơi khô, lập tức bôi những loại kem giữ ẩm cho bé.
- Tắm rửa cho trẻ mỗi ngày, ngay cả khi trời lạnh , nhưng bằng nước ấm.
- Khi bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, mát xa lưng và tay chân trẻ để kích thích máu huyết lưu thông , tăng cường miễn dịch.
- Khi trẻ bệnh nên đưa đi khám, không nên tự ý dùng thuốc.
Rửa tay giúp trẻ phòng bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa.
Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, các bậc cha mẹ cần áp dụng thường xuyên để tăng cường sức khỏe:
- Giúp trẻ ăn bổ, ngủ ngon, học đủ, chơi an toàn. Chọn thức ăn nóng, uống nước ấm. Tránh ăn thức ăn lạnh, quá mặn hoặc quá ngọt.
- Giữ da và rốn trẻ sạch khô. Dùng kem dưỡng ẩm duy trì độ ẩm da. Cắt móng tay ngắn, tránh gãi ngứa. Không tự ý băng, đắp thuốc theo kinh nghiệm.
- Dạy trẻ thói quen vệ sinh: Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người chăm sóc cũng phải thường xuyên rửa tay trước khi ẵm bồng hoặc chăm sóc trẻ, chế biến thức ăn và cho trẻ ăn uống.
Chế độ ăn uống cho trẻ
Cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng: Trẻ cần được ăn đầy đủ cả 4 nhóm dinh dưỡng gồm tinh bột, các loại thịt, dầu mỡ và các loại rau quả. Nếu trẻ trong thời kỳ bú mẹ, người mẹ cần phải hấp thu đủ dinh dưỡng cho bản thân mình.
Ăn những thực phẩm dễ hấp thu: Để bảo bảo cho trẻ tiêu hóa tốt, nên cho trẻ món ăn dễ tiêu hóa không gây đầy bụng hay rối loạn tiêu hóa, nhờ đó hiệu quả của thức ăn đối với bé sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, để phòng bệnh đường hô hấp, mẹ có thể nấu cho bé các món canh từ hẹ, tăng cường rau quả chứa nhiều vitamin C (cam, chanh, quýt, su hào, bưởi, cà chua, giá đậu…). Đặc biệt, mỗi ngày lấy 2-3 lá hung chanh hấp cùng đường phèn (hoặc mật ong) và cho bé dùng hàng ngày (nước cốt hoặc bã, hoặc cả hai).
Ý kiến bạn đọc