Thêm cơ hội sống cho bệnh nhân Thalassemia

11:14, 13/08/2015
|

(VnMedia) - Theo tin từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ngày 12/8, Viện đã tiến hành ca ghép tế bào gốc máu dây rốn cho bệnh nhân nhi Trần Gia H. – 3 tuổi quê Hà Nam.

Đây là lần đầu tiên Viện thực hiện ca ghép tế bào gốc cho một bệnh nhân nhi bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia)  và cũng là ca ghép thứ 166 của Viện và là ca ghép thứ 4 bằng nguồn tế bào gốc máu dây rốn.

Bệnh nhân nhi Trần Gia H. phát hiện bệnh Thalassemia từ bé, bệnh nhân được điều trị và truyền máu nhiều lần tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Mẫu tế bào gốc máu dây rốn ghép cho bệnh nhân được lấy từ máu cuống rốn của em gái bệnh nhân sinh cách đây 2 tháng.

Trước đó, khi biết con trai mắc bệnh Thalassemia, hai vợ chồng anh Trần Ngọc Hòa ở Hà Nam quyết định sinh thêm em bé để có cơ hội cứu sống đứa con trai. Với kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, trong quá trinh mang thai, các bác sỹ đã tiến hành chọc ối để xét nghiệm hai yếu tố: Một là xem thai nhi có mắc bệnh Thalassemia không; hai là HLA của thai nhi có sự hòa hợp với bệnh nhân không. Kết quả cuối cùng cho thấy, thai nhi không mắc bệnh Thalassemi và có sự hòa hợp HLA hoàn toàn với bệnh nhân. Chính vì vậy mà sau khi sinh thì gia đình đã quyết định dùng mẫu máu cuống rốn của em gái để ghép cho bệnh nhân.

  Ảnh minh họa

  Ê kíp đang thực hiện ca ghép tế bào gốc máu dây rốn cho bệnh nhi .

TS. Trần Ngọc Quế - Phó giám đốc Trung tâm tế bào gốc của Viện cho biết: Nguồn tế bào gốc máu dây rốn của người cho mà cùng huyết thống với người nhận khi ghép sẽ cho kết quả tốt hơn rất nhiều so với các nguồn tế bào gốc khác.

Ca ghép được tiến hành khá thuận lợi, bệnh nhân sau ghép sức khỏe ổn định và đang được theo dõi nghiêm ngặt trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Viện.

Đây là sự kiện vô cùng đặc biệt, là tin vui đối với bệnh nhân Thalassemia đồng thời mở ra cơ hội mới trong điều trị bệnh Thalassemia tại Việt Nam.

Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Những thành công bước đầu trong lĩnh vực này là việc sử dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép tế bào gốc tạo máu). Nguồn tế bào gốc sử dụng cho ghép được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn và gần đây là từ màng lót cuống rốn. Ngày nay, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốckhông chỉ giới hạn trong việc điều trị các bệnh máu mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau như: mắt, tim mạch, xương khớp, bỏng, da liễu, thẩm mỹ, nhi khoa…

 

Ở Việt Nam, năm 1995, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, nhiều hoạt động liên quan tới tế bào gốc ở nước ta bao gồm: tổ chức các Trung tâm tế bào gốc, đào tạo cán bộ, tiếp nhận tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh… đã phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 19/8…

 

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh từ năm 2006.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc