(VnMedia) - Bộ Y tế quyết định thành lập đơn vị Giám sát kháng thuốc Quốc gia, nhằm đối phó tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đang trở nên nghiêm trọng.
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa.
Khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc ở cả ở nông thôn, thành thị cho thấy: đến 90% các loại kháng sinh bán cho người dân mà không cần đơn thuốc. Theo đó, trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc điều tra thì phần lớn kháng sinh được bán mà không cần đơn, trong đó 88% là ở thành thị, 91% ở vùng nông thôn. Trong đó 3 loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/ammoxicilin, cephalexin và azithromycin.
Nghiên cứu về kháng kháng sinh tại 15 bệnh viện trong giai đoạn 2008 - 2009 cũng cho thấy tỉ lệ kháng thuốc ngày càng tăng lên. Năm 2009 có 30-70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và 4, gần 40-60%kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon.
Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế nhiều lần cảnh báo về tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ở mức báo động. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã xuất hiện những vi khuẩn siêu kháng thuốc. Chúng có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, thậm chí là nhóm kháng sinh mạnh nhất. Tình trạng này tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.
Lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, sử dụng kháng sinh không hợp… khiến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng.
Trước tình trạng kháng Bộ Y tế đã quyết định thành lập đơn vị Giám sát kháng thuốc Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế, gồm 8 thành viên do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Giám đốc.
Đơn vị Giám sát kháng thuốc Quốc gia có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động phòng, chống kháng thuốc; theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ tổng kết, báo cáo, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng chống kháng thuốc cho lãnh đạo Bộ Y tế.
Trước đó, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống kháng thuốc và thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc.
Bộ y tế cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; kiểm chuẩn xét nghiệm; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh; thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế để nâng cao trình độ, kỹ năng về thực hành kê đơn thuốc tốt, thực hành dược lâm sàng, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị.
Ý kiến bạn đọc