Người thừa cân béo phì nên và không nên ăn gì?

06:34, 27/07/2015
|

(VnMedia) - Tình trạng thừa cân và béo phì đã và đang trở thành một nguy cơ của sức khỏe. Tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, tình trạng này đang tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây nhất là ở trẻ em bên cạnh một số lượng không nhỏ các bệnh nhân bị suy dinh dưỡng.


Ảnh minh họa

Người thừa cân béo phì dễ mắc nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm.
Ảnh minh họa.

Người thừa cân béo phì dễ mắc bệnh nguy hiểm

Thừa cân béo phì là nguyên nhân làm gia tăng bệnh lý mạn tính nguy hiểm như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... trong đó hệ xương khớp là một trong những căn bệnh chịu tác hại nghiêm trọng của tình trạng này. Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể như:

- Hệ tim mạch: Tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi.

- Hệ hô hấp: Giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm.

- Hệ nội tiết, chuyển hóa: Tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút.

- Tác động về tâm sinh lý: Tự ti, trầm cảm, khó hòa nhập cộng đồng.

- Một số bệnh ung thư như ung thư thực quản, trực tràng, vú...

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Viện dinh dưỡng quốc gia khuyến cáo, người thừa cân béo phì nên thay đổi chế độ ăn ngay và chịu khó hoạt động thể lực nhiều hơn.

Thực phẩm người thừa cân béo phì nên ăn:

- Hãy lựa chọn các thực phẩm giàu protein như: thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, giò nạc, sữa đậu nành, format, trứng, sữa bột tách bơ, sữa chua làm từ sữa gầy, đậu đỗ.
- Sử dụng những glucid có nhiều chất xơ như: bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ.
- Cung cấp đủ vitamin và muối khoáng: những khẩu phần ăn dưới 1.200 Kcal thường thiếu hụt vitamin và khoáng chất cần thiết như Canxi, sắt, vitamin E… Nên uống thêm viên đa vitamin và khoáng chất hàng ngày.
- Ăn rau xanh và quả chín 500g/ngày, nên chế biến ở dạng luộc, nấu canh, làm nộm, rau trộn xalát.
- Ăn muối rất hạn chế, chỉ dưới 6g/ngày, nếu có tăng huyết áp thì chỉ 2-4g/ngày.

Thực phẩm không nên dùng:

-Thực phẩm nhiều chất béo: thịt mỡ, nước dùng thịt, bơ, thịt chân giò…
-Thực phẩm nhiều cholesterol: não, tim, gan, thận, lòng lợn…
- Những món ăn đưa thêm chất béo: bánh mỳ bơ, bơ trộn rau, các món xào, rán
-Thức ăn giàu năng lượng như: đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, socôla, nước ngọt…
- Những đồ uống có chất kích thích: rượu, bia, cà phê…

    Ngoài ra, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một số phương pháp dùng chế độ ăn đặc biệt cho người béo phì:

•Chế độ ăn rất thấp năng lượng: Là chế độ ăn dạng lỏng, năng lượng 800Kcal/ngày, vẫn đảm bảo giàu protein có giá trị sinh học cao và bổ sung đủ các vitamin, khoáng chất, điện giải và các axit béo cần thiết. Việc thực hiện chế độ ăn rất thấp năng lượng chỉ nên kéo dài 12- 16 tuần và dạng ăn này thay thế hoàn toàn các bữa ăn với thức ăn thông thường. Chế độ này chỉ dùng cho người béo phì có BMI>30, và nhất là những người có các bệnh rối loạn kèm theo như: đái tháo đường typ 2, tăng huyết áp, tăng lipid máu, có cơn ngừng thở khi ngủ.
•Phương pháp thay thế bữa ăn bằng uống: khác với chế độ ăn rất thấp năng lượng là chỉ có 1 hoặc 2 bữa ăn được thay thế bằng dạng uống chứ không phải là toàn bộ khẩu phần ăn.

     Ngoài việc áp dụng một chế độ ăn đặc biệt, bạn cũng nên duy trì việc luyện tập thể thao ít nhất 30phút /ngày với các loại hình như đi bộ, bơi, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp… Với 1kg chất béo của cơ thể cung cấp đủ năng lượng cho đi bộ hoặc đi bộ nhanh 100km. Nếu bạn đi bộ được 2.5km (tức là mất 20 – 30ph đi bộ) một ngày và thực hiện đều đặn như vậy trong 5ngày/tuần thì bạn sẽ giảm được khoảng 6,5kg chất béo trong vòng 1 năm với điều kiện không ăn thừa năng lượng.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc