Hà Đông xuất hiện 7 ổ dịch sốt xuất huyết Dengue

07:04, 25/07/2015
|

(VnMedia) - Trước tình hình số trường hợp sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 362 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2014, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Các quận Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì có số trường hợp mắc sốt xuất huyết cao.

Quận Hà Đông đã ghi nhận 7 ổ dịch với 40 trường hợp mắc rải rác tại 6 phường trên địa bàn, riêng phường Phúc La có đến 22 trường hợp.

Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, thu gom phế thải, thả cá, thau rửa dụng cụ chứa nước để phòng chống sốt xuất huyết.

Các đơn vị y tế tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng xử lý ổ dịch triệt để. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại địa phương, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đăng tải thông tin phòng chống sốt xuất huyết để người dân nhận thức đúng về dịch bệnh, chủ động phòng chống sốt xuất huyết cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện xác định các ổ dịch trọng điểm, vùng có nguy cơ cao của dịch để có giải pháp xử lý kịp thời, đồng thời giám sát chặt chẽ tình hình dịch và chủ động lên phương án xử lý khi có ổ dịch mới xuất hiện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Biểu hiện của Bệnh sốt xuất huyết Dengue?

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 – 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi ... Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue

Do triệu chứng nổi bật hay gặp nhất của bệnh là sốt, xuất huyết và bệnh do vi rút Dengue gây ra, chính vì vậy bệnh có tên là sốt xuất huyết Dengue. Sở dĩ có thêm chữ Dengue trong tên bệnh là để phân biệt với các bệnh sốt xuất huyết do các tác nhân khác. Tuy nhiên, trong nhân dân, bệnh thường được gọi với tên ngắn gọn là bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch  được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4.

Nguồn truyền nhiễm của bệnh sốt xuất huyết Dengue

Người mắc bệnh và người nhiễm vi rút không triệu chứng là nguồn truyền bệnh quan trọng. Trong ổ dịch sốt xuất huyết Dengue cứ 1 trường hợp mắc bệnh điển hình thì có hàng chục trường hợp mang vi rút tiềm ẩn, không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng là nguồn bệnh để lây cho người khác.

Cách lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

Bệnh sốt xuất huyết Dengue không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi rút không triệu chứng rồi từ đó lại đốt sang người khác và truyền bệnh. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc