Bệnh liên cầu lợn: Nguy hiểm tính mạng vì ăn tiết canh

06:33, 16/06/2015
|

(VnMedia ) - Liên tục các tuần gần đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận các ca bệnh nặng như: nhiễm trùng huyết, viêm màng não do liên cầu lợn.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Tuấn H. , 36 tuổi ở huyện Mỹ Đức, cấp cứu tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, trên da mặt, đùi cẳng chân xuất hiện các nốt ban xuất huyết, hoại tử, suy đa phủ tạng.

Theo người nhà bệnh nhân, anh H. Thường xuyên uống rượu và có sở thích ăn tiết canh.

Trước đó, cuối tháng 5/2015, Bệnh viện cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 52 tuổi, ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hôn mê, trên da toàn thân có nhiều mảng xuất huyết hoại tử sau hai ngày sốt. Bệnh nhân này thường xuyên ăn lòng lợn, tiết canh. 

Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong tháng 5 cũng có 3 trường hợp khác bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Các ca bệnh này có tiền sử hay ăn lòng lợn, tiết canh trước khi nhập viện.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì liên cầu lợn là bệnh từ động vật lây sang người do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) gây ra. Nguyên nhân bệnh nhân bị mắc liên cầu khuẩn lợn có thể do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp. Không chỉ lợn ốm, mà ngay trong lợn lành cũng có một số con có liên cầu khuẩn lưu trú ở vùng hầu họng. Vì vậy, nếu ăn các sản phẩm chưa nấu chín thì dù là thịt lợn lành vẫn có thể mắc bệnh. Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo về bệnh liên cầu khuẩn do ăn tiết canh nhưng nhiều người vẫn chủ quan, thậm chí có người cho rằng, uống rượu cùng với tiết canh sẽ diệt được vi khuẩn nên không sợ.

Cũng theo bác sĩ Cấp, bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm ba thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp dù mới mắc nhưng đã rất nặng. Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng với các biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp... Tỷ lệ tử vong của bệnh này là khoảng 7%.

Ảnh minh họa

  Ăn tiết canh nguy cơ lây mắc bệnh liên cầu lợn rất cao. Ảnh minh họa.

Cách lây truyền

Vi khuẩn cư trú ở amidal và mũi lợn khoẻ có thể tới 1 năm. Trong một đàn lợn lây truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua kim tiêm nhiễm trùng. Lợn con có thể lây nhiễm từ lợn mẹ qua đường hô hấp, tiêu hoá, máu.

 

Bệnh lây từ lợn sang lợn, nhưng cũng có thể lây sang các gia súc khác như bò, dê, mèo, chó, hươu,…

 

Người bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, ăn thịt lợn bị bệnh, ăn tiết canh, cũng có thể bị lây qua các vết sước.

 

Vi khuẩn có thể tìm thấy trong máu, dịch não tuỷ của người bệnh.

Khuyến cáo phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người

Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng nhưng hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).
- Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. 
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
- Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
-Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
 


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc