(VnMedia) - Gần đây, theo ghi nhận tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) số trẻ được đưa đến khám với biểu hiện sốt, nôn, đau đầu; nhiều cháu được chẩn đoán bị viêm màng não, viêm não đang gia tăng.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa Nhi, từ đầu mùa đến nay nhiều bệnh nhi được chẩn đoán viêm màng não, viêm não do virus.
Những triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, sốt cao rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý viêm đường hô hấp, sốt virus khác. Vì vậy, việc theo dõi trẻ là rất quan trọng.
Viêm não vi rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây ra, trong đó có 8 - 10% các trường hợp mắc là do vi rút viêm não Nhật Bản. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào các tháng mùa hè. Đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi.
Viêm não, màng não là một bệnh khá nguy hiểm với trẻ, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, trẻ có thể bị các di chứng về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, nhận thức kém. Bệnh đang vào mùa nên cha mẹ cần nâng cao cảnh giác khi thấy con có biểu hiện sốt, nôn, đau đầu.
Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não vi rút, đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản, ngày 27/5, Cục Y tế dự phòng có Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực chỉ đạo, tập trung g iám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm não vi rút trong đó có viêm não Nhật Bản, kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để hạn chế di chứng và tử vong đồng thời phòng chống lây chéo trong các cơ sở điều trị.
Đồng thời, Cục Y tế dự phòng yêu cầu chỉ đạo việc rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, tổ chức đợt truyền thông trên các phương tiên thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh viêm não vi rút và viêm não Nhật Bản để các bà mẹ biết cách chăm sóc trẻ, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường hạn chế nguồn lây truyền; vận động các bà mẹ đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản theo lịch tiêm chủng; khi phát hiện trẻ có sốt và dấu hiệu nghi ngờ cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng, di chứng.
Tổ chức tập huấn về giám sát phát hiện, kỹ năng truyền thông và vận động cho cán bộ y tế cơ sở, phác đồ cấp cứu và điều trị để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ở tất cả các tuyến nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản, đặc biệt là công tác tổ chức tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; có biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nhiều trẻ nhập viện do viêm não.Ảnh minh họa.
Dấu hiệu và triệu chứng
Dấu hiệu trong trường hợp viêm não thể nhẹ gồm:
Trong những trường hợp nặng hơn bệnh nhân có thể có sốt cao và kèm theo các tiệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm:
- Nhức đầu dữ dội
- Buồn nôn và nôn mửa
- Cứng cổ
- Lú lẫn
- Mất định hướng
- Thay đổi nhân cách
- Co giật
- Rối loạn nghe nói
- Ảo giác
- Mất trí nhớ
- Đờ đẫn
- Hôn mê
Ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện tuy nhiên vẫn có một số dấu hiệu quan trọng giúp định hướng chẩn đoán.
Các dấu hiệu này bao gồm:
- Nôn mửa
- Thóp phồng (nếu còn thóp)
- Khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế
- Gồng cứng người
Vì viêm não có thể xuất hiện sau hoặc đi kèm với các chứng nhiễm virus nên đôi khi có những triệu chứng đặc trưng của các bênh này trước khi có viêm não. Tuy vậy, viêm não thường xuất hiện mà không có triệu chứng báo trước nào cả.
Ý kiến bạn đọc