(VnMedia) - Mực trắng nhờ hóa chất, mắm tôm lúc nhúc dòi, thịt thối được phù phép thành khô bò, ruốc làm từ thịt gà thối… là những vụ việc thực phẩm bẩn kinh hoàng bị cơ quan chức năng phát hiện trong năm 2014, khiến người dân hết sức hoang mang.
Choáng với cách chế biến mắm tôm
Thùng mắm tôm lúc nhúc dòi bọ lớn 500 lít được lực lượng chức năng phát hiện tại một cơ sở chế biến mắm tôm ở Bình Dương, nhiều người cảm thấy rùng rợn. Vào, khoảng 9h sáng ngày 9/10, lực lượng liên ngành thị xã Thuận An kiểm tra căn nhà do Dương Văn Hiếu, sinh năm 1982, quê Thanh Hóa thuê ở khu phố Hòa Long, P.Vĩnh Phú, TX. Thuận An, phát hiện hàng trăm chai mắm tôm, mắm nêm, mắm tép, tương ớt, giấm thành phẩm được sang chiết tại cơ sở.
Chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh, chế biến, cũng như chứng nhận điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, hoạt động hoàn toàn trái phép. Chủ cơ sở khai nhận, thuê mặt bằng làm được khoảng bốn tháng nay, nguồn nguyên liệu thu mua từ nhiều nơi, các sản phẩm được tiêu thụ tại địa bàn TX. Thuận An và những khu vực lân cận. Đáng chú ý, một chiếc bồn chứa mắm tôm bên trong có rất nhiều dòi, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Mực trắng nhờ hóa chất
Chiều 4/9, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) phối hợp với Công an phường Yên Phụ kiểm tra hành chính cơ sở ngâm tẩm, tẩy trắng cá mực bằng hóa chất trong ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận một lượng lớn mực bốc mùi hôi thối đang được các công nhân đổ ra nền xi măng sơ chế, bóc lớp vỏ đen xám. Bên cạnh, cảnh sát phát hiện nhiều thùng phuy ngâm cá mực. Ngoài ra, một số lượng mực lớn đã được tẩy trắng đựng trong các thùng phuy nhựa nổi váng bọt và bốc mùi hôi tanh.
Công nghệ tẩy trắng mực không chỉ có ở Hà Nội mà còn xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Nam.
Biến thịt lợn thối thành khô bò
Với nguyên liệu là thịt heo thối được mua với giá khoảng 60 nghìn đồng/kg, chủ cơ sở đã lệnh cho công nhân dùng hóa chất, gia vị để “hô biến” thành khô bò với giá bán sỉ hơn 200 nghìn đồng/1kg.
Chiều 6/9, Đội cảnh sát kinh tế - Công an quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) đã bất ngờ kiểm tra đột xuất Công ty TNHH sản xuất thương mại Thanh Ly (số 711 đường Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) để làm rõ hành vi lừa dối người tiêu dùng bằng thủ đoạn biến thịt heo thối thành khô bò nhằm thu lợi bất chính. Khi đoàn kiểm tra ập vào, phía bên trong xưởng sản xuất có rất nhiều thau nhôm chứa đầy thịt heo. Bên cạnh đó là nhiều thùng phuy đựng các loại hóa chất dùng để tẩm ướp. Số lượng hóa chất này, chủ Công ty không xuất trình các loại giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ.
Nói về thủ đoạn làm ăn gian dối của Công ty này, các công nhân nói rằng dù biết nguyên liệu là các loại thịt heo kém chất lượng, nhưng bà chủ lệnh cho họ luộc lên, sau đó cho các công nhân khác xé nhỏ rồi ngâm tẩm hóa chất, gia vị, màu thực phẩm… để biến thành khô bò, bán với giá cao, thu lợi bất chính.
Rùng mình cảnh sản xuất mỡ bẩn
Trong khi đó, tại Hà Nội, ngày 15/8, Công an phường Khương Đình, quận Thanh Xuân đã đột kích cơ sở chế biến mỡ bẩn ở ngõ 207, phố Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội. Cơ sở chế biến mỡ ngập ngụa màu đen, cáu bẩn vì than và mỡ, những dụng cụ vứt lăn lóc trên sàn bẩn.
Ngoài ra, khi tổ công tác vào kiểm tra thì thấy cảnh nhân viên đang chế biến mỡ ngay trên ô tô. Phần mỡ nước được đóng vào những thùng to phân phối cho các cửa hàng ăn uống, chế biến thực phẩm. Các cơ sơ này dùng mỡ rán quẩy hoặc xào nấu thức ăn.
Cơ quan công an xác định, cơ sở này thường thu mua mỡ sống khắp nơi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, về chế biến.Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 tấn mỡ nước cùng hàng trăm ký mỡ, bì lợn sống bám đầy ruồi, nhặng, vứt ngổn ngang trên nền gạch chờ chế biến; công cụ chế biến hết sức thô sơ và mất vệ sinh. Chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Nga, xóm Ngõ Lý, thôn Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng.
Xuất khẩu dầu ăn bẩn sang Đài Loan
Vụ dầu mỡ bẩn tại Đài Loan đã trở nên hết sức nghiêm trọng khiến Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan phải từ chức, Tổng thống và Thủ tướng Đài Loan đều lên án và yêu cầu trừng phạt thích đáng, loại bỏ tất cả các nhà máy, công ty sản xuất dầu ăn bẩn, truy tố người vi phạm đồng thời đình chỉ lưu hành, bắt giữ và thu hồi hàng loạt sản phẩm liên quan trên thị trường.
Điều đáng chú ý là nguồn cung cấp dầu ăn bẩn lại là công ty Công ty Đại Hạnh Phúc (có trụ sở tại TP HCM - Việt Nam), điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam.
Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho rằng, việc Công ty TNHH Đại Hạnh Phúc tổ chức sản xuất kinh doanh mặt hàng dầu mỡ động thực vật làm thực phẩm cho người khi chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là vi pham nghiêm trọng pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm, gây tác hại tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu tới uy tín của sản phẩm thực phẩm Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Ý kiến bạn đọc