(VnMedia) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2015 ngành Y tế sẽ tiếp tục tập trung vào giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Để đạt được điều này, ngành y tế sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: Triển khai các giải pháp nhằm tăng số giường bệnh/1 vạn dân; triển khai quyết liệt các đề án nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới, giảm tình trạng vượt tuyến, chuyển tuyến không cần thiết, như Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020; triển khai việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816, phát triển Đề án Bác sỹ gia đình.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (KCB) đánh giá, dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác KCB vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Mỗi cơ sở KCB cần xác định lấy người bệnh làm trung tâm, để từ đó có những giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng KCB đáp ứng nhu cầu của người dân.
Việc giảm tải cần phải thực hiện theo đúng kế hoạch để từng bước giảm tải, hướng tới không còn tình trạng người bệnh nằm ghép vào năm 2025. Bên cạnh nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế, các bệnh viện tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, công khai minh bạch và xử lý nghiêm các tai biến y khoa (nếu có); thực hiện tốt các tiêu chí chất lượng bệnh viện… là thước đo sự hài lòng của người bệnh.
Ảnh minh họa. |
Giảm quy trình khám, chữa bệnh
Qua khảo sát tại các bệnh viện, tình trạng người bệnh phải chờ đợi, chen lấn khi chờ khám bệnh, lộn xộn ở khu vực khám bệnh, nhất là thời gian chờ khám bệnh quá dài, ngày càng trầm trọng. Điều đó dẫn đến nhiều hậu quả trong công tác an ninh bệnh viện; tinh thần thái độ của người thầy thuốc đối với người bệnh, sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc bị giảm sút… làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám và điều trị bệnh.
Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã cải tiến quy trình khám bệnh tại các bệnh viện. Theo đó, thời gian khám bệnh (từ khi người bệnh bắt đầu làm thủ tục đăng ký đến khám bệnh, làm kỹ thuật cận lâm sàng, kê đơn và nhận thuốc) đã giảm đáng kể so với trước. Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 đến 14 bước trước đây xuống còn 4, 6, 7, hay 8 bước (tùy theo tính chất của bệnh). Tính chung, thời gian khám bệnh trung bình đã giảm được 48,5 phút so với trước khi triển khai cải tiến quy trình. Thời gian khám lâu nhất là tại tuyến trung ương: 53,7 phút, tuyến huyện là 40,1 phút, tuyến tỉnh là 46 phút.
Kết quả cải tiến quy trình khám bệnh đã mang lại nhiều hiệu quả kinh tế – xã hội. Việc rút ngắn thời gian chờ đã góp phần làm tăng sự hài lòng của người bệnh, tăng lòng tin của người bệnh vào người thầy thuốc; tăng sự hợp tác giữa người bệnh và người thầy thuốc, tuân thủ chế độ điều trị, giúp cho việc chẩn đoán của người thầy thuốc nhanh, chính xác hơn và nhất là thời gian điều trị của người bệnh sẽ được rút ngắn.
Phát triển dịch vụ Bác sỹ gia đình
Thực hiện Đề án bác sỹ gia đình, đến nay tại 8 tỉnh, thành phố trong phạm vi Đề án đã thành lập và và củng cố, kiện toàn được 97 phòng khám bác sĩ gia đình với các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị được đảm bảo phục vụ chăm sóc người bệnh.
Tại 3 tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế có tổng số 649 nhân viên y tế tham gia hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình , trong đó có 186 bác sĩ, 186 điều dưỡng, 74 nữ hộ sinh, 201 cán bộ y tế khác. Năm 2013, tại 3 địa phương này đã thực hiện quản lý 29.174 hồ sơ sức khỏe và khám sàng lọc được 41.084 lượt, trong đó phát hiện được 102.588 ca bệnh tật và chuyển viện 1.750 ca.
Hiện nay, việc phát triển Bác sỹ gia đình đang được các địa phương đẩy mạnh để trở thành một nhân tố không thể thiếu trong hệ thống y tế Việt Nam.
Tăng thêm hơn 4.800 giường bệnh
Các bệnh viện tuyến Trung ương đã tăng hơn 4.800 giường tương đương với 24,6% tổng số giường bệnh như Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam tăng 600 giường bệnh; Bệnh viện K (tại Tân triều) tăng 700 giường bệnh; Bệnh viện Nội tiết Trung ương tăng 500 giường bệnh…
Trong những ngày cuối năm 2014, đã có thêm 3 bệnh viện được khởi công xây dựng với tổng quy mô 3000 giường bệnh. Đó là công trình Bệnh viện Nhi Đồng tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cơ sở 2 và Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2 tỉnh Hà Nam. Đây là 3 bệnh viện nằm trong Đề án đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cũng là 3 trong số các bệnh viện được đầu tư xây mới và hiện đại nhất từ trước tới nay.
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện đã giảm được tương đối so với năm 2012, trước khi triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện. Không còn tình trạng nằm ghép tới 3-5 người trên 1 giường bệnh. Số bệnh viện có tình trạng nằm ghép cũng giảm đáng kể, đặc biệt là các bệnh viện ở tuyến Trung ương.
Luân chuyển cán bộ theo Đề án 1816
Giải pháp kết hợp Đề án bệnh viện vệ tinh - Đề án 1816 là những giải pháp lâu dài nhằm hạn chế tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo. Theo đánh giá của lãnh đạo một số bệnh viện khi triển khai đề án, đã hạn chế được tình trạng chuyển tuyến, góp phần giảm quá tải bệnh viện.
Theo báo cáo của các Sở Y tế có bệnh viện vệ tinh, đến nay đã có 11 bệnh viện vệ tinh giảm được tỉ lệ chuyển người lên bệnh viện tuyến trên gồm: Bệnh viện A Thái Nguyên; Bãi cháy Quảng Ninh; Đa khoa tỉnh Điện Biên; Đa khoa tỉnh Hà Giang; Đa khoa tỉnh Ninh Bình… Ngoài ra, công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cũng được đẩy mạnh.
Báo cáo của 57/63 tỉnh, thành phố cũng cho thấy, các bệnh viện tuyến tỉnh đã cử 4.661 cán bộ đi luân phiên hỗ trợ bệnh viện huyện, chuyển giao 3.299 lượt kỹ thuật, tổ chức 2.799 lớp tập huấn; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho 57.937 lượt cán bộ y tế tuyến huyện. Các bệnh viện huyện đã cử 11.261 lượt cán bộ y tế hỗ trợ khám chữa bệnh cho nhân dân tại trạm y tế xã, đồng thời tổ chức chuyển giao 8.073 lượt kỹ thuật, thủ thuật; 3.589 lớp tập huấn cho 64.724 lượt cán bộ y tế tuyến xã. Thực hiện Đề án 1816, 35 bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã cử cán bộ đi luân phiên hỗ trợ 108 lượt bệnh viện tuyến tỉnh; chuyển giao 292 lượt kỹ thuật, tổ chức 148 lớp tập huấn; đào tạo nâng cao năng lực cho 4.664 cán bộ y tế tuyến dưới.
Ở tuyến tỉnh, hiện nay Bệnh viện Nhi Hải Phòng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã thực hiện được kỹ thuật can thiệp tim mạch cho trẻ em, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Nghệ An... đã chữa nhiều bệnh nhân ung bướu.
Ý kiến bạn đọc