Người nhiễm HIV/AIDS gia tăng mạnh do sự kỳ thị

16:20, 04/12/2014
|

(VnMedia) -   Theo Bộ Y tế, đại dịch HIV/AIDS là mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

>>>Nhiều trẻ sinh ra bị phơi nhiễm HIV
>>>Tỷ lệ HIV ở nữ ngày càng gia tăng
>>>Việt Nam đứng thứ 5 trong khu về số người nhiễm HIV

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 ca nhiễm mới HIV khiến căn bệnh thế kỷ này vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam . Hiện trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đang đứng thứ 5 về số người nhiễm HIV/AIDS cao nhất (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan).

 

Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2014 (từ ngày 10/11 đến ngày 10/12) và ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12), TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, kỳ thị, phân biệt đối xử là một trong những lý do khiến những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm HIV không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS trên toàn quốc. .

 

Vì thế, hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam hướng tới mục tiêu 3 không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS

 

Năm 2014, Việt Nam đã chọn chủ đề “Không kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” để cùng nhau chống lại sự kỳ thị phân biệt đối xử đối người mắc bệnh.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, phân biệt đối xử vẫn đang tồn tại ở các mức độ khác nhau, ở nhiều nơi, nhiều lúc, từ gia đình, nơi làm việc, trường học, công sở và ngoài cộng đồng. Đại dịch HIV/AIDS chỉ có thể chấm dứt khi phân biệt đối xử được chấm dứt.


  Ảnh minh họa

  Sống không kỳ thị để ngăn ngừa đại dịch HIV/AIDS. Ảnh minh họa.


Nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử

 

Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS:

 

- Bệnh nguy hiểm: Đây chính là nguyên nhân phổ biến nhất, HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh nên khi nhiễm HIV thì không có cơ hội chữa khỏi, nhiều người coi đó là "bản án tử hình" . 

 

- Sự thiếu hiểu biết về HIV/AIDS: Nhiều người nghĩ rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường, như ăn uống chung, dùng chung đồ sinh hoạt... Nhiều người cho rằng HIV/AIDS là gắn liền với các tệ nạn xã hội, như tiêm chích ma túy, người mua, bán dâm... 
 

- Truyền thông chưa đúng, chưa đủ: Việc truyền thông về HIV/AIDS đã rất nhấn mạnh sự nguy hiểm của HIV/AIDS, đưa những hình ảnh bệnh nhân nặng, gày còm, lở loét.. tạo cho nhân dân suy nghĩ rất ghê sợ về bệnh này. Đồng thời, không giải thích rõ ràng về các đường lây và khả năng lây nhiễm của HIV, tạo cảm giác sợ hãi quá mức đối với người dân, kiến họ xa lánh, kỳ thị. .

 

- Sự lo lắng, sợ hãi quá mức: Nhiều người không vượt qua được mặc cảm bệnh tật của người nhiễm HIV, tìm mọi cách dấu giếm tình trạng nhiễm HIV của mình, và chịu sống trong mặc cảm, lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử.

 

Các hình thức kỳ thị đối với người nhiễm HIV

 

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều biểu hiện khác nhau, từ ngấm ngầm đến công khai, thô bạo.

 

- Tại gia đình: Trong gia đình có những người nhiễm HIV phải ăn riêng, ở riêng, sinh hoạt riêng; hoặc nếu ở chung thì những người khác trong gia đình cũng hạn chế hoặc miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm HIV. Có những gia đình còn cấm đoán người khác trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm HIV, hoặc tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung ...

 

- Tại cộng đồng: Nhiều người có hành vi cấm hoặc hạn chế con cái, người thân, họ hàng tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS; không sử dụng các dịch vụ, hàng hóa mà người nhiễm HIV hoặc gia đình họ cung cấp, nhất là dịch vụ ăn uống; Thậm chí, có người vứt bỏ các vật dụng mà người nhiễm HIV đã sử dụng, như cốc uống nước, bát đũa người nhiễm HIV đã dùng để ăn...

 

- Tại các cơ sở y tế: Vẫn còn có nhân viên y tế cũng ngại, miễn cưỡng khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, nhất là người bệnh giai đoạn cuối, với nhiều biến chứng, lở loét...

 

- Tại nơi học tập, làm việc, người nhiễm HIV thường bị xa lánh, những người xung quanh ngại tiếp xúc, không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV. Có những trường hợp gây sức ép, tạo cớ để người nhiễm HIV xin nghỉ việc, nghỉ học hoặc bắt buộc thôi việc, thôi học với lý do không chính đáng.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc