(VnMedia) - Ở nước ta, khi thời tiết chuyển mùa thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người .
Đặc biệt là vào khoảng thời gian chuyển từ mùa thu sang mùa đông (nhiệt độ môi trường giảm nhanh, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ ẩm không khí giảm, ít gió)… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm.
Với thời tiết này, những người sức khỏe yếu hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh, bị ốm. Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian chuyển mùa cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm, cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn (nhất là với người già và trẻ em).
Cục Y tế dự phòng đã đưa ra những khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe khi thời tiết chuyển mùa:
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…;hạn chế đến những chỗ đông người.
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh (đối với các bệnh có vắc xin phòng).
- Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Ý kiến bạn đọc