(VnMedia) - Mỗi ngày cả nước có đến 47 tấn chất thải rắn y tế (chiếm 10,5% lượng chất thải phát sinh) và 125.000 khối nước thải y tế (ở các cơ sở khám, chữa bệnh) thải ra môi trường.
Đó là những con số báo động đỏ được Bộ Y tế nhắc lại tại Hội nghị về xử lý chất thải y tế được tổ chức mới đây (ngày 18/8).
Ảnh minh họa. |
Cũng theo Bộ Y tế, mặc dù lượng chất thải rắn y tế và nước thải y tế thải ra môi trường mỗi ngày nhiều như vây, nhưng đến nay chỉ có gần 30% bệnh viện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại bằng lò đốt 2 buồng, hoặc bằng công nghệ đốt thân thiện với môi trường, gần 40% số bệnh viện thuê công ty môi trường xử lý, không kiểm soát được nguy cơ thất thoát ra bên ngoài. Số bệnh viện còn lại, chất thải chỉ được xử lý bằng lò đốt 1 buồng, đốt thủ công hoặc chôn lấp trong khuôn viên.
Đối với nước thải y tế, chỉ có khoảng 54,4% số bệnh viện có hệ thống xử lý. Đa số các cơ sở đào tạo y dược, các trạm y tế xã chưa có hệ thống xử lý nước thải. Khoảng 50% cơ sở sản xuất thuốc có hệ thống xử lý nước thải, số còn lại chỉ xử lý sơ bộ nước thải trước khi thải vào hệ thống chung, có nhiều hệ thống không hoạt động hoặc vận hành kém, không đạt quy chuẩn.
Đặc biệt nghiêm trọng, có 10 bệnh viện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chưa hoàn thành xử lý triệt để; 42 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, 118 bệnh viện tuyến huyện gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), do hệ thống văn bản quy định về quản lý môi trường y tế chưa đầy đủ, nhận thức của nhân viên y tế về quản lý chất thải y tế còn hạn chế nên mới tồn tại thực trạng trên. Vì thế, Cục Quản lý môi trường y tế đề xuất có chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế theo hướng lựa chọn công nghệ mới đảm bảo thân thiện với môi trường phù hợp.
Thuỳ Minh
Ý kiến bạn đọc