Hà Nội: Đã xuất hiện 8 ổ dịch sốt xuất huyết

14:41, 26/07/2014
|


(VnMedia) - Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 23/7, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 8 ổ dịch sốt xuất huyết tại 8 xã, phường của 7 quận huyện, giảm 17 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2013..

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.



Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay bệnh viêm não Nhật Bản đã có chiều hướng giảm, sốt xuất huyết có chiều hướng tăng.

 Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 115 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến ngày 23/7, trên địa bàn toàn thành phố đã ghi nhận 8 ổ dịch sốt xuất huyết tại 8 xã, phường.

 Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, đến nay, bảy ổ dịch đã được khống chế, riêng ổ dịch tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy) có số ca mắc nhiều nhất (8 ca). Ổ dịch sốt xuất huyết tại Yên Hòa từ ngày 17/7 đến nay không có ca mắc mới.

 Ông Hạnh cho biết, hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn nhiều khó khăn do bệnh này không giống viêm não, sởi vì không có vắcxin, thuốc điều trị đặc hiệu, nên công tác phòng bệnh phải nhờ vào sự tham gia của cộng đồng. Do vậy, diệt bọ gậy và phun hóa chất là vô cùng cần thiết, tuy nhiên, chỉ có 70% gia đình phối hợp tốt.

 Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, về bệnh viêm não Nhật Bản, từ tháng Năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 21 trường hợp phân bố tại 20 xã, phường của 14 quận, huyện (tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2013).

 Trong hai tuần trở lại đây, số ca mắc giảm mạnh, chỉ có 1 ca mắc/tuần. Số mắc tập trung ở trẻ dưới 15 tuổi (17 ca). Số trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản đã giảm mạnh do tỷ lệ tiêm vắcxin đạt cao (chiếm 97%).

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, ổ dịch sốt xuất huyết giảm nhưng dự báo bệnh sẽ phát triển mạnh vào tháng Tám, rơi vào quận nội thành đông dân. Vì vậy, ngành y tế cần chủ động phát hiện sớm và phòng chống quyết liệt. Bằng mọi cách không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn giống như dịch sởi trong thòi gian qua.

 Theo bà Ngọc, những nơi có ổ dịch phải tái kiểm tra, giám sát chặt chẽ không để dịch quay trở lại. Những nơi xuất hiện ổ dịch mới phải khoanh vùng dập dịch, đảm bảo thiết bị, hóa chất vật tư để đáp ứng thuốc phòng chống bệnh.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc