Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không "bỏ ngỏ" lĩnh vực nước sinh hoạt

07:09, 21/06/2014
|

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với nước sinh hoạt dùng để chế biến thực phẩm đang bị bỏ ngỏ và cần phải được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đoàn kiểm tra TƯ phải quyết liệt xử lý đến cùng các trường hợp vi phạm VSATTP điển hình. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về VSATTP, chiều 20/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá 6 tháng qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về VSATTP đã có nhiều cải thiện, các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai, đồng thời rút kinh nghiệm để tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 24 trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và Tháng hành động VSATTP năm 2014, cả nước đã thành lập 22.822 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 391.800 cơ sở, phát hiện 86.363 cơ sở vi phạm, tuy nhiên, mới chỉ có 15.188 cơ sở bị xử lý.

Các vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ; sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên hoặc không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP.

Trong 4 tháng đầu năm 2014, Bộ NNPTNT đã tiến hành kiểm tra về ATTP đối với 13.377 lô hàng hóa (hơn 1,4 triệu tấn) có nguồn gốc thực vật nhập khẩu; 113 lô hành động vật, sản phẩm động vật (hơn 35.700 tấn); trên 85.000 tấn thủy sản.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện các mô hình điểm về quản lý ATTP, thức ăn đường phố; chưa kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; công tác truyền thông tuyến cơ sở đang gặp khó khăn do kinh phí bị cắt giảm. 

Ảnh minh họa

Cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về VSATTP, chiều 20/6. Ảnh: Chinhphu.vn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Có những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngay thì xã hội dễ thấy, nhưng nghiêm trọng là ảnh hưởng của thực phẩm độc hại lâu dài tích tụ thành bệnh. Đây là nỗi bức xúc ở cả thành thị lẫn nông thôn. Dù người dân đã bắt đầu biết sợ, biết tránh, nhưng kết quả này mới chỉ là bước đầu. Vì vậy, các cấp, từ TƯ đến địa phương phải vào cuộc tích cực hơn nữa, nâng cao nhận thức của người dân, xã hội đối với vấn đề VSATTP.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta có hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước cùng các đoàn thể và chính quyền cơ sở nhưng chưa nắm được cụ thể việc mớ rau, con cá được nuôi trồng, chế biến thế nào hoặc ở một số địa phương cũng có chuyện “ngại” bắt giữ các loại thực phẩm, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu do thiếu cơ chế xử lý, tiêu hủy...

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cùng các ngành chức năng, chính quyền địa phương phải làm điểm, xử lý kiên quyết, tới cùng những trường hợp vi phạm điển hình trong lĩnh vực VSATTP, kết hợp tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân. Dứt khoát không để tình trạng thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm nhiều nhưng xử lý ít. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện, rút kinh nghiệm đối với một số mô hình điểm về quản lý ATTP, thức ăn đường phố, thực phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông lớn cần coi công tác tuyên truyền VSATTP giống như hoạt động thời sự hằng ngày, có cơ chế tuyên truyền giống như quảng cáo nhằm cảnh báo mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề ATTP.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương triển khai công tác kiểm định chất lượng nước sinh hoạt có đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm hằng ngày của người dân, trong khi đây là khâu đang bị bỏ ngỏ trong công tác quản lý VSATTP.

Ủng hộ việc Hà Nội đã triển khai 1 xe xét nghiệm VSATTP lưu động và dự kiến mua thêm 3 xe tương tự, Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ ở Hà Nội mà tất cả các TP lớn cũng cần triển khai mô hình này, đồng thời phải nghiên cứu cơ chế xã hội hóa để hoạt động kiểm nghiệm nhanh thực phẩm là bắt buộc tại các siêu thị, các chợ, qua đó nâng cao ý thức của cả người bán lẫn người mua, sử dụng thực phẩm.

Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cần khẩn trương hoàn thiện, sớm ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan đến quản lý ATTP; kinh doanh thức ăn đường phố; việc xuất nhập khẩu thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật...


(theo Chinhphu.vn)

Ý kiến bạn đọc