(VnMedia) - Hiện nay, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số ca mắc và tử vong do sởi (số ca mắc chiếm 30%, số tử vong chiếm 50% của cả nước).
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 12/2013 đến nay đã ghi nhận 1.062 trường hợp mắc sởi trên địa bàn (tháng 12 có 10 trường hợp, từ đầu năm 2014 đến nay có 1.052 trường hợp). Người mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi, chiếm 60,6%; trẻ em dưới 9 tháng tuổi (chưa đến lịch tiêm chủng) chiếm 20,4%.
Cụ thể, có 88,5% số trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, trong đó có 24% trẻ dưới 9 tháng tuổi. Lý do nhiều trường hợp tiêm chủng chưa đầy đủ là vì các em bị ốm hoặc gia đình e ngại không đưa trẻ đi tiêm chủng.
Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp sáng nay tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã hỏi giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc địa phương này có công bố dịch hay không nhưng vị lãnh đạo đứng đầu Sở Y tế cho biết sẽ xin ý kiến của UBND thành phố.
Ngay trong chiều 16/4, UBND TP Hà Nội đã họp đột xuất với các đơn vị, địa phương liên quan về phòng, chống bệnh sởi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Trả lời thắc mắc về khả năng Hà Nội công bố dịch hay không, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: “Tại cuộc họp mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế, các địa phương dù không công bố dịch nhưng phải triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi như đang có dịch. Với Hà Nội, chủ trương là, có công bố dịch hay không không quan trọng, quan trọng nhất là phải triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch, khống chế dịch”.
Hiện tại, bệnh sởi vẫn còn đang duy trì ở mức cao, trong khi tiến độ tiêm vắcxin phòng, chống bệnh còn chậm và chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Tình hình bệnh nhân sởi vào viện cao gây ra quá tải bệnh viện ở tất cả các tuyến.
Theo Sở Y tế Hà Nội, một trong những nguyên nhân của bệnh sởi là do việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ em dưới 2 tuổi đạt thấp hoặc trẻ đi tiêm muộn; có 5-10% trẻ không được gia đình đưa đi tiêm chủng do e ngại tai biến sau tiêm. Tỷ lệ hoãn tiêm nhiều còn do cán bộ y tế lo ngại về độ an toàn nên quá thận trọng trong chỉ định tiêm chủng. Bên cạnh đó là khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng khi biến động dân cư lớn, người dân không chủ động đăng ký tiêm chủng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các cấp, các ngành đặt công tác tuyên truyền lên hàng đầu, tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt là nhận thức của người dân, gia đình chưa cho con, em đi tiêm chủng cũng như việc vệ sinh phòng bệnh.
Ngành Y tế cùng các địa phương tổ chức nắm bắt đối tượng, từng gia đình, hoàn cảnh và tổ chức tiêm vét vaccine sởi đạt từ 95% trở lên. Bên cạnh đó, phân công trực 24/24h, đồng thời hướng dẫn cụ thể về dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để gia đình, giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non nhận biết và có biện pháp điều trị ngay từ đầu.
Các quận, huyện cần theo dõi tình hình diễn biến về bệnh sởi để có giải pháp kịp thời. Các trường hợp đã bị nhiễm sởi, đề nghị các cán bộ y tế nắm bắt và theo dõi thường xuyên, kiểm tra, điều trị, chăm sóc. Với các gia đình không cho con đi tiêm, đề nghị quận, huyện trao đổi với tổ dân phố và các đoàn thể liên quan để động viên, thuyết phục cho trẻ đi tiêm.
Ý kiến bạn đọc