Rất nhiều người mắc bệnh lao chưa được phát hiện

11:08, 19/03/2014
|

(VnMedia) - Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, dịch tễ lao ở Việt Nam còn cao, một số lượng lớn ca bệnh lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, tiếp tục là nguồn lây. Đồng thời bệnh lao đa kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp.

Hiện tại, Việt Nam đang đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Mỗi năm cả nước lại có thêm 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và 18.000 người tử vong do bệnh này.

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với tính mạng cũng như sức khỏe người mắc bệnh cùng với nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn. Nguy cơ mắc bệnh lao có thể xảy ra với tất cả mọi người. Tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Hiện nay trên cả nước đang triển khai phác đồ điều trị mới, rút ngắn thời gian điều trị. Việt Nam là nước áp dụng đầu tiên thuốc chống lao mới cho các trường hợp lao tiền siêu kháng thuốc vào năm 2014. Phác đồ chữa lao hiệu quả đang được phát triển, có thể rút ngắn xuống còn 4 tháng, thậm chĩ là 3 tháng.

Hiện có 2 loại thuốc chống lao mới được phê duyệt. Hứa hẹn đủ thuốc mới sẽ có phác đồ hoàn toàn mới, sẽ không còn khái niệm kháng các thuốc hiện tại nữa mà có thể áp dụng phác đồ mới không cần xét nghiệm kháng sinh đồ ngay lúc phát hiện. Điều trị sẽ hiệu quả hơn.

Bộ Y tế vừa trình Chính phủ “Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Chiến lược này đặt mục tiêu đến hết năm 2015, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 187 người/100 nghìn dân; giảm số người tử vong do bệnh lao xuống dưới 18 người/100 nghìn dân; tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện… Đến năm 2030 sẽ giảm số người tử vong do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 dân. 

Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đặt ra những mục tiêu cụ thể và các giải pháp phòng chống lao mang tính tổng thể, dài hạn và đột phá nhằm huy động sự tham gia mạnh mẽ của hệ thống chính trị, các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó ngành Y tế là nòng cốt, nhằm bảo đảm tính hiệu quả, bền vững, góp phần quan trọng vào nâng cao sức khỏe nhân dân…

Hướng ứng Ngày thế giới chống Lao (24/3), Chương trình Chống lao Quốc gia gửi tới toàn thể người dân thông điệp: “Toàn dân quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng chống Lao” với chủ đề “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao”, hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.


Thuỳ Minh

Ý kiến bạn đọc